Chiều 16/3, Hội đồng thẩm định Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành họp góp ý vào dự thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành.
Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị
Theo dự thảo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk tổ chức vận hành OCOP ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống hoạt động xuyên suốt, hỗ trợ cộng đồng theo chu trình thường niên.
Nội dung đề án tập trung vào triển khai chu trình OCOP; xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống quản lý quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; Xây dưng và triển khai các nhiệm vụ dự án thành phần.
Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị
Đề án cũng xác định 5 lĩnh vực trọng tâm như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khoa học công nghệ và chuyển đổi số; dịch vụ, du lịch nông thôn; đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng tối thiểu 03 Dự án, tập trung hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm chủ lực (tư vấn, giám sát, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới, nâng cấp, chuẩn hóa và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đáp ứng tiêu chí OCOP và thị trường,…). Phát triển ít nhất 45 sản phẩm nông nghiệp/tiểu thủ công nghiệp/dịch vụ du lịch chủ lực cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP và được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh.
Đề án hướng đến mục tiêu tạo ra các tổ chức kinh tế OCOP, dưới dạng các HTX, tổ hợp tác sản xuất, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển HTX và quốc gia khởi nghiệp; Tạo ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP.
Đến năm 2025 huy động từ 50-60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP; sản phẩm từ nông nghiệp tiên tiến, thủy sản, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp từ 65-70 % tổng sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Ông Trần Kiên- Chuyên gia tư vấn Đề án OCOP tham gia ý kiến tại hội nghị
Đa số các thành viên Hội đồng thống nhất với dự thảo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do đơn vị tư vấn hỗ trợ tỉnh xây dựng. Tuy nhiên, để Đề án ban hành phát huy được hiệu quả, các thành viên đề nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới tiếp tục bổ sung căn cứ pháp lý liên quan như: Kết luật 467 về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; Quyết định 1199 về phát triển chăn nuôi; Quyết định 2789 về khuyến nông của tỉnh.
Về nguồn kinh phí chủ yếu là vốn sự nghiệp cần xem xét tăng vốn đầu tư, rà soát lại các sản phẩm đã được công nhận xem tác động như thế nào đối với kinh tế ở địa phương; xây dựng rõ các sản phẩm dự kiến đạt 5 sao; cơ chế chính sách hỗ trợ cho điểm bán hàng OCOP phải cụ thể, thiết thực; mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP; hỗ trợ hạ tầng cho chủ thể OCOP từ nguồn kinh phí trực tiếp hay lồng ghép; kết hợp với mô hình du lịch…