Di tích lịch sử – văn hóa Nhà đày Buôn Ma Thuột

Tên địa điểm du lịch:


Nhà đày Buôn Ma Thuột


Di tích lịch sử, Cách mạng
Nhà đày Cách mạng tại Tây Nguyên
Bài Viết liên quan:

(HNMCT) – Nhà đày Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một di tích lịch sử quan trọng ghi dấu tội ác của thực dân, đế quốc trên đất nước Việt Nam và cũng là “trường học cách mạng” của những người cộng sản, nhà yêu nước.

Một dãy nhà lao trong Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Biến nhà tù thành “trường học cách mạng”

Cuối thập niên 1920, đầu những năm 1930, phong trào chống thực dân Pháp tăng cao ở Đông Dương. Chính quyền thực dân liên tục mở rộng và xây mới các nhà tù. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ cùng những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích 2ha, gồm nhiều hạng mục công trình: Cổng, tháp canh, nhà lao, khu xà lim, nhà y tế, nhà bếp – ăn, khu bàn giấy (hỏi cung)… Từ năm 1954 – 1975, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp quản, sử dụng và bổ sung một số công trình mới như nhà tra tấn, nhà nguyện, nhà “quốc thái dân an”, nhà giáo huấn, 6 nhà lao tập thể và 1 khu xà lim.

Đúng như tên gọi “nhà đày”, các tù nhân – nhất là tù chính trị, bị giam giữ trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn, kham khổ. Những phạm nhân “nguy hiểm” bị cùm chân cố định tại chỗ, thường xuyên bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn. Ngoài thời gian bị giam, tù nhân còn phải làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.

Tái hiện cảnh tra tấn, đánh đập trong lao.

Tuy nhiên, sự áp bức tàn bạo của thực dân – đế quốc không thể khuất phục được ý chí của những người cộng sản. Họ đã biến nhà tù thành “trường học cách mạng”, nơi truyền bá cho các tù nhân khác những tư tưởng tiến bộ, tinh thần yêu nước cùng quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Bằng rất nhiều cách, họ đã truyền đơn, tài liệu cho nhau. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã trưởng thành trong “trường học cách mạng” này.

Trong thời kỳ 1930-1945, đã có 3.855 tù nhân bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, đại bộ phận là đảng viên cộng sản. Ngày 23-11-1940, 10 chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực được bầu làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám thành công ở Đắk Lắk.

Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo, giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, trong đó, có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Đó là các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Chí Công, Trần Hữu Dực…

Phát huy giá trị di tích

Phòng truyền thống của Nhà đày Buôn Ma Thuột hiện trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng, phong trào đấu tranh trong nhà đày và sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây cũng lưu danh các chiến sĩ cộng sản tiêu biểu và tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử, Nhà đày Buôn Ma Thuột còn là điểm đến học tập truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của các thế hệ. Công trình này đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.

Advertisement
Khách tham quan nghe thuyết minh trong phòng Truyền thống ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Bà H’Nga Byă, phụ trách Khu di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cho biết: Sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã và đang được tu sửa, tôn tạo, phục dựng nhiều hạng mục và sưu tầm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật để phục vụ tham quan tốt hơn. Từ năm 2015 đến nay, di tích đã đón gần 10.000 lượt khách mỗi năm, trong đó có nhiều du khách nước ngoài.

Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Trần Hùng cho biết: Tỉnh đang tập trung gìn giữ, tôn tạo để Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương. Trước mắt, cơ quan quản lý đang lập đề án mở rộng khu di tích, tổ chức các cuộc hội thảo để việc trùng tu vừa bảo đảm được yếu tố gốc của di tích, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Anh Phạm Tuấn Anh, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Tôi đã tham quan các nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo và bây giờ là Nhà đày Buôn Ma Thuột. Có thể nói, Nhà đày Buôn Ma Thuột không hề “kém cạnh” các nhà tù khác về độ gian khổ, tàn bạo. Tôi rất xúc động khi thăm di tích này và mong nơi đây sẽ trở thành điểm đến thường xuyên của du khách khi tới với thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk”.

Advertisement

About Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Di tích danh lam thắng cảnh thác buôn H’Ngô

Tên địa điểm du lịch: Di tích danh lam thắng cảnh thác buôn H’Ngô Tên …