Thác Drai Dăng nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía Đông, thuộc địa phận xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Trong tiếng Ê đê: Drai có nghĩa là thác, Dăng có nghĩa là dài (thường được sử dụng trong cách đo chiều dài), theo như giải thích của bà con nơi đây: Dăng ở đây là chiều dài của những dấu tích (vết chém dài). Như vậy, Drai Dăng có nghĩa là thác dài hay là thác có dấu tích của những vết chém dài.
Đã bao mùa rẫy đã đi qua, bao lần trăng tròn, trăng khuyết, người Ê đê ở buôn Kang, xã Ea Knuếc cũng không nhớ nổi, họ chỉ nhớ được một truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đó là truyền thuyết kể về sự hình thành của dòng thác Drai Dăng:
Thưở ấy, ở trong vùng có một tù trưởng giàu mạnh, nhà dài như tiếng chiêng ngân không hết, sừng tê giác, ngà voi, xương cọp treo chật nhà trong, đầy nhà ngoài; thóc lúa nhiều vô kể; trâu bò đi ăn từng đàn, kín bãi, chật buôn.
Tiếng tăm của tù trưởng vang khắp buôn Đông, làng Tây không chỉ vì giàu có mà còn vì tù trưởng có một cô con gái tên là H’Nết xinh đẹp nhất vùng. Da nàng trắng như bông, tóc dài như dòng suối, tiếng nói nhẹ nhàng êm ái như tiếng hót chim rừng. Biết bao nhiêu chàng trai trong vùng muốn được nàng bắt về làm chồng nhưng đều không được sự chấp thuận của cha nàng.
Để kén rể cho người con gái xinh đẹp của mình, tù trưởng đã tổ chức các cuộc thi tài võ nghệ giữa các chàng trai trẻ trong vùng để chọn ra người tài nhất xứng đáng với người con gái xinh đẹp của mình. Các cuộc so tài, đọ sức cứ thế diễn ra ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, cuối cùng thì chỉ còn lại hai chàng trai tài giỏi nhất được tuyển chọn qua các vòng đấu đó là Aê Yang Mya (thần Cá Sấu, là con của thần Đá trên núi Čư Dju) và chàng Y San.
Cuộc so tài của hai người này diễn ra rất ác liệt, gay cấn. Những bước chân của Aê Yang Mya và chàng Y San trong cuộc so tài di chuyển đến đâu, đất đá nơi đó đều sụp đổ tạo thành thung lũng hoặc là những hồ nước lớn. Cuối cùng thì họ cũng quyết chiến một trận đấu kiếm lớn để phân thắng bại, cuộc đấu kiếm diễn ra thật quyết liệt, những đường kiếm của cả hai người đi đến đâu cây cối đều nghiêng ngả, những tảng đá khổng lồ đều biến dạng sụp đổ. Khi không còn đủ sức để đánh lại Aê Yang Mya (thần cá Sấu), chàng Y San đành thua cuộc bỏ chạy, chàng chạy mãi ra đến dòng sông Sêrêpôk rồi biến mất. Aê Yang Mya là người thắng cuộc nên được tù trưởng chọn làm chồng cho con gái của mình là nàng H’Nết xinh đẹp, họ đã sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Đồng thời, cuộc đọ sức tranh tài giữa chàng Y San và Aê Yang Mya đã làm cho đường kiếm của hai người chặt đứt những quả đồi, ngọn núi trong vùng tạo nên những dòng suối nhỏ chảy quanh co trong các buôn làng, chính những dòng suối nhỏ đã tạo nên dòng thác Drai Dăng huyền thoại với vô vàn những dấu tích của những vết chém dài cho đến tận ngày nay.
Nằm trên dòng suối Ea Knuếc, thác Drai Dăng được bắt nguồn từ cầu 21 (Km 21 – quốc lộ 26) chảy qua thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc. Trước đây đầu nguồn thác là dòng suối hiền hòa chảy xuống. Vào năm 1992, Binh đoàn 12 đã ngăn dòng suối phía trên đầu dòng thác, tạo thành hồ nước và xây đập bờ kè làm thủy điện phục vụ việc tưới tiêu và sinh hoạt trong khu vực. Năm 2006, đập thủy điện bị phá bỏ, hiện nay vẫn còn lại hồ nước và bờ tràn ngay trên đầu dòng thác.
Drai Dăng là một trong những thắng cảnh đẹp, còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, thác gồm có 3 tầng chính: Tầng thứ nhất là hệ thống đập tràn của thủy điện trước đây, dòng nước đổ xuống qua hai bậc tam cấp uốn lượn như dải lụa trắng; Tầng thứ hai là dòng thác chính, tầng thác này được tạo bởi những cột đá, tảng đá lớn nằm thoai thoải, trên bề mặt đá là vô vàn nấc thang nhỏ tựa như những vết chém của kiếm. Vào mùa khô, lượng nước đổ về ít, chảy len qua các khối đá nhẹ nhàng, êm dịu như giấc ngủ của thiếu nữ Tây Nguyên giữa đại ngàn xanh thẳm; Mùa mưa, nước thác đổ mạnh xuống như muốn gột rửa tất cả để bắt đầu cho một mùa mới đầy hy vọng và sức sống. Nước tuôn qua các các cột đá lớn nhỏ, cao thấp tạo thành các cột nước như những mạch nước ngầm. Tầng thứ ba của thác là tầng cuối đón nhận dòng chảy tạo thành một hồ nước trong xanh.
Ngày 16/5/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định xếp hạng Thác Drai Dăng là Di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Một số hình ảnh về Di tích: