Năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 450.000 học sinh các cấp học. Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì trong năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Với đặc thù là tỉnh có nhiều vùng đặc biệt khó khăn về KT-XH, do đó cơ cở vật chất phục vụ cho giáo dục – đào tạo của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn hạn chế, nhất là đối với yêu cầu đề ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Do đó, hằng năm tỉnh Đắk Lắk đã ưu tiên phân bổ nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất ở các vùng đặc biệt khó khăn nhằm cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Trường tiểu học Y Jút, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn xây dựng phòng học chuẩn bị cho năm học mới
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, ngành Giáo dục – Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức xây mới, sửa chữa các phòng học đảm bảo phục vụ nhu cầu trong năm học mới với tổng số tiền đầu tư cơ sở vật chất gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, mua sắm các trang thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới khoảng 99 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư trong thời gian vừa qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới, đặc biệt là ở những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới của tỉnh.
Giáo viên dọn dẹp trường lớp cho năm học mới
Hiện nay, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn thiếu trên 1.200 giáo viên ở các cấp học so với quy định. Trong bối cảnh vừa tinh giản biên chế vừa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả năm học mới. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án sắp sếp lại mạng lưới trường lớp giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030. Đồng thời, yêu cầu các địa phương khi được giao biên chế thì triển khai tuyển đầy đủ để sớm bổ sung các vị trí giáo viên còn thiếu; triển khai việc sáp nhập các điểm trường và sắp xếp lại số lượng học sinh trên lớp học, tránh tình trạng chia nhỏ lớp. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, luân chuyển giáo viên khoa học, phù hợp nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học mới.
Ngành Giáo dục Đắk Lắk nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học mới
Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhất là những giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường THPT cũng sẵn sàng các phương án tuyển dụng giáo viên hợp đồng các môn tự chọn như mỹ thuật, tin học nhằm đảm bảo việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, hiện nay điều kiện kinh tế của Nhân dân trên địa bàn còn khó khăn nên tỉnh Đắk Lắk đã quyết định không tăng mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn trong năm học mới. Bên cạnh đó, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức chính trị – xã hội huy động mọi sự đóng góp nhằm hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, cố gắng không để học sinh nào vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng.