Chiều 9/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Tham dự và đồng chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Tấn Công – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thị Chiến Hòa cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan trong tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã kịp thời quán triệt và ban hành nhiều văn bản nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và thường xuyên quan tâm đến sự phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân. Môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi, bình đẳng thông qua việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH của địa phương. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn được tỉnh quan tâm.
Đồng chí Phạm Tấn Công – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc
Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 11.130 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 2,7 lần về số lượng và 2,1 lần về quy mô vốn/doanh nghiệp so với năm 2012. Đắk Lắk cũng là tỉnh có số lượng doanh nghiệp xếp thứ 22 cả nước và thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên. Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) của khu vực kinh tế tư nhân đạt trên 67.000 tỷ đồng, chiếm 70,72% tổng GRDP toàn tỉnh; khu vực vốn ngoài Nhà nước tăng đáng kể, gấp 2,72 lần giai đoạn trước, chiếm 79% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Doanh nghiệp cũng trở thành cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đã chủ động đổi mới mô hình sản xuất, đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Đắk Lắk đã có 1 Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 105,5 ha và tổng vốn đầu tư 745 tỷ đồng; 01 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có quy mô 450 ha với 281 hộ sản xuất tham gia; xây dựng được 113 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp do UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phê duyệt thực hiện và 10 chuỗi do doanh nghiệp và người nông dân tự liên kết…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW trên địa bàn còn gặp một số hạn chế như: việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế; một số sản phẩm tạo ra còn có giá trị gia tăng thấp, chưa tạo ra được sức cạnh tranh trên thị trường…
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất với đoàn công tác một số kiến nghị như: đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ sức vươn ra hội nhập quốc tế, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tại các địa bàn KT-XH khó khăn như Đắk Lắk; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết và giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; nghiên cứu ban hành Cẩm nang hoặc văn bản hướng dẫn chung về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thành lập các hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp…
Đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW thời gian qua, Đồng thời nhấn mạnh, trên cơ sở khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện và các ý kiến, kiến nghị của địa phương, đoàn công tác sẽ tham mưu Bộ Chính trị tổng kết quá trình triển khai và tiếp tục ban hành chỉ đạo mới nhằm xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nhân ngày càng vững mạnh, đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH của đất nước.