Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Tham luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện tầm nhìn bao quát, vừa chiến lược, vừa cụ thể của Đảng; là sản phẩm của sự tập trung trí tuệ trên cơ sở tổng kết thực tiễn sinh động; tiếp tục đáp ứng được niềm tin, nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong vùng Tây Nguyên về những chủ trương, định hướng của Đảng.

Để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết, tỉnh Đắk Lắk đề xuất một số nội dung như: Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động về triển khai thực hiện Nghị quyết, để làm căn cứ cho các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra; đề nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu và sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên; có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng Tây Nguyên; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; quan tâm, ủng hộ việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển các địa phương trong vùng và cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quán triệt đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên; đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; cần khơi dậy, phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các địa phương trong vùng; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng; xây dựng, tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Advertisement

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên sẽ cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên trong thời kỳ mới theo tinh thần “Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.

Advertisement

About admin

Check Also

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk xử phạt hơn 17.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Năm 2024, Phòng CSGT tỉnh phát hiện 82.486 trường hợp vi phạm giao thông, trong …