Hội thảo “Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật tại Tây Nguyên”

Chiều 3/11, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật tại Tây Nguyên”. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN-PTNT chủ trì hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo và cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tai Hội nghị, các đơn vị đã nghe báo cáo kết quả “Nghiên cứu đánh giá cấu trúc hoạt động quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên cây cà phê tại Tây Nguyên năm 2022” do Tổ chức GCP thực hiện. Đồng thời thảo luận để xây dựng phương hướng, giải pháp công tác bảo vệ thực vật (BVTV), quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, khả thi ở các tỉnh trồng cà phê, hướng tới sản xuất cà phê hiệu quả, an toàn hơn và bền vững hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN-PTNT chủ trì hội thảo

Theo kết quả nghiên cứu, tổ chức sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên chủ yếu là sản xuất cá thể 90%, khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung. Việc tái canh cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất lượng kém đang gặp khó khăn vì cần thực hiện quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và vốn đầu tư lớn. Tình trạng thu hái quả xanh diễn ra phổ biến, khâu chế biến còn bất cập, thiếu gắn kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Một số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn chưa quan tâm nhiều đến phát triển vùng nguyên liệu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến

Toàn vùng có 176 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Diện tích cà phê có chứng nhận là 187.767 ha, chiếm khoảng 28,77% diện tích cà phê toàn vùng. Các chứng nhận chất lượng gồm 4C, UTZ, RFA, FLO, hữuu cơ, GAP, Tiêu chuẩn C.A.F.E Practices. Có 12 loại sinh vật gây hại phổ biến trên cà phê trồng thuần và 8 loại sinh vật gây hại đáng lưu ý trên cây cà phê trồng xen.

Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN-PTNT chủ trì thảo luận

Tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật gây hại cà phê, đa số nông dân sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng theo khuyến cáo của các Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật và thực tế người dân sử dụng, bao gồm chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hóa học. Hệ thống buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 3.400 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 139 doanh nghiệp, 3.241 hộ kinh doanh; 20 HTX dịch vụ có kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Hoạt động quản lý thuốc bảo vệ thực vật đã được cơ quan quản lý xây dựng theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ; biện pháp xử phạt hành vi vi phạm cũng đã có quy định rõ ràng.

Hệ thống thanh tra chuyên ngành được tổ chức từ Trung ương đến địa phương gồm: Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Thanh tra chuyên ngành Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh/TP. Hệ thống Cơ quan Quản lý thị trường 63 tỉnh/thành phố: Chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc BVTV lưu thông trên thị trường, thuốc BVTV giả, nhập lậu,… Cơ quan Công an đấu tranh triệt phá tội phạm trong lĩnh vực thuốc BVTV.

Một số hành vi vi phạm chủ yếu ghi nhận khi thực hiện thanh tra, kiểm tra như : Ghi thêm đối tượng phòng trừ trên nhãn hàng hóa; Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với thuốc y tế; Buôn bán thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; Buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng; Buôn bán thuốc BVTV có nhãn sai quy định…

Hội thảo cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn như: 4/5 tỉnh Tây Nguyên đã chuyển Trạm Trồng trọt và BVTV thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hoặc Trung tâm Nông nghiệp. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh không chỉ đạo trực tiếp các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, chỉ có chức năng phối hợp nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chuyên ngành tại cơ sở chậm, không kịp thời, chất lượng thấp. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, số lượng các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng nhiều, phân tán rải rác, địa hình phức tạp. Nguồn lực về con người đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương thiếu về số lượng, chưa được tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ;

Bên cạnh đó, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên không có đơn vị kiểm định chất lượng thuốc BVTV. Vì vậy, các sản phẩm được lấy mẫu kiểm định phải gửi đi đến các Trung tâm ngoài tỉnh để kiểm định chất lượng nên khi có kết quả thường là 30 đến 45 ngày với thời gian này hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn tiêu thụ, chưa được ngăn chặn kịp thời.

Dịp này, các địa phương đã thảo luận đề xuất một số giải pháp và kiến nghị như: Tăng cường sự phối hợp, tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương tới địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV không có tên trong Danh mục; phổ biến, tập huấn nông dân nhận biết thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV không có tên trong danh mục và hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả; Kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Bộ NN&PTNT cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; nâng cao về kỹ năng xử phạt vi phạm hành chính; đào tạo giảng viên IPM/IPHM trên cây cà phê và tập huấn nông dân về sử dụng thuốc BVTV sinh học và các tác nhân sinh học trong quản lý dịch hại.

Advertisement

About admin

Check Also

Phát hiện tài xế ô tô vận chuyển hơn 100 kg pháo lậu

Phòng CSGT – Công an tỉnh bàn giao hồ sơ và tang vật vụ vận …