Hội thảo phục hồi cảnh quan trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu thực hiện NDC quốc gia ở khu vực Tây Nguyên

Sáng 16/12, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phục hồi cảnh quan trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định ( NDC) quốc gia ở khu vực Tây Nguyên”.

Tham dự hội thảo có ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Tropenbos Việt Nam và đại diện Cục biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số đơn vị, địa phương có liên quan.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghe và thảo luận một số nội dung gồm: Kết quả tiến trình phục hồi rừng của tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2022, định hướng cho hoạt động phục hồi rừng giai đoạn 2023 – 2030; Chia sẻ về cách tiếp cận và các mô hình phục hồi cảnh quan của Tropenbos Việt nam tại khu vực Tây Nguyên; Thảo luận chung về kết quả phục hồi rừng của các tỉnh Tây Nguyên ; Các giải pháp, khuyến nghị chính sách về phục hồi rừng; Chính sách của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH: Luật pháp; định Chính sách của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH; Lồng ghép NDC vào xây dựng kế hoạch và những yêu cầu trong hoạt động xây dựng kế hoạch thực hiện NDC của các tỉnh; Vai trò của hoạt động sản xuất Nông Lâm nghiệp trong thực hiện NDC quốc gia, và kế hoạch NDC cấp tỉnh; Thảo luận về việc lập kế hoạch cho việc xây dựng NDC cấp tỉnh trong năm 2023; NDC cập nhật của Việt Nam và các vấn đề mới sau COP26, cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của chính phủ Việt Nam và những yêu cầu trong thực tế.

Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Tropenbos Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Các chuyên gia cho rằng, hệ sinh thái rừng luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với con người, đặc biệt là duy trì môi trường sống, đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và sự tồn tại chung của trái đất. Rừng không chỉ cung cấp các nguồn nguyên liệu có thể nhìn thấy như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ cho một số ngành sản xuất, hay các dịch vụ môi trường rừng, mà quan trọng hơn cả là lợi ích của rừng trong việc duy trì và bảo vệ môi trường, đó là điều hòa khí hậu, hạn chế xói mòn và bồi lắng, bảo vệ đất đai, điều tiết nguồn nước và hạn chế lũ lụt.

Chuyên gia Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ tại hội thảo

Mặc dù các lợi ích của rừng đem lại là vô cùng to lớn, nhưng việc quản lý bền vững tài nguyên rừng vẫn là những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Tình trạng khai phá rừng lấy lâm sản hay lấy đất sản xuất, và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác ngoài tầm kiểm soát đang làm cho diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam bị giảm đi nhanh chóng không chỉ là trong quá khứ mà kể cả hiện nay. Sự suy giảm về tài nguyên rừng và mất rừng đang được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang chứng kiến hiện tượng ấm lên toàn cầu, sự gia tăng và xuất hiện bất thường của nhứng trận bão và lũ lụt có cường độ và sức tàn phá lớn, suy thoái đất đai và nguy cơ sa mạc hóa trên diện rộng đã và đang gây ra những lo ngại lớn trên phạm vi toàn thế giới cũng như ở cấp độ quốc gia. Do đó, nhận diện được những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên rừng trên thế giới cũng như ở Việt Nam để có những giải pháp, can thiệp hợp lý cho việc quản lý rừng bền vững cũng là vấn đề hết sức cấp thiết, bởi rừng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, như tuyên bố của Hội nghị lần thứ 26 về công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua.

Advertisement

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk cần có cách tiếp cận trong phục hồi rừng trên diện tích rừng không bị xâm lấn hiện tại, phân cấp và đánh giá tổng thể, xác định và phân cấp các khu vực cần ưu tiên cho hoạt động phục hồi rừng. Đất canh tác nông nghiệp nghèo kiệt, phục hồi bằng cách phát triển các mô hình nông lâm kết hợp. Nghiên cứu và xác định nhóm loài cây và phương pháp tác động phù hợp, bao gồm cả về mặt xã hội, thị trường tiêu thụ sản phẩm…Cần có cơ chế đặc thù trong QLBV, PHR đối với rừng ở Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng (cần ưu tiên bảo vệ và có nguồn đầu tư cao hơn các khu vực khác). Cần có cơ chế đặc thù và ưu tiên cho hoạt động phục hồi rừng ở các khu vực xung yếu, nguy cơ cao. Tạo cơ chế, động lực, xác định rõ lợi ích cho sự tham gia và giám sát tiến trình thực hiện phục hồi rừng của các bên liên quan.

Kế hoạch NDC cấp tỉnh cần tuân thủ xác định các nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải kính nhà kính; Xác định các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (con người, công nghệ, nguồn lực tài chính); Thực hiện việc giám sát và đánh giá của hoạt động thích ứng với BĐKH; giám sát đánh giá các hoạt động nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK; Xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế.

Hội thảo nhằm tham vấn, chia sẻ thông tin liên quan đến xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, và việc lồng ghép kế hoạch của địa phương với kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh, chia sẻ thông tin liên quan đến phục hồi rừng có sự tham gia và mô hình nông lâm kết hợp tại Tây Nguyên của Tropenbos Việt Nam đã triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Advertisement

About admin

Check Also

Nỗi đau sau vụ án học sinh phạm tội giết người

Vào ngày 24/11/2024, 4 bị cáo trẻ tuổi bị kết án tù vì gây án …