Chiều 06/02, UBND tỉnh có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí H’ Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhìn chung, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tổng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình từ năm 2015 đến nay gần 7.300 tỷ đồng để bảo đảm cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; xây dựng, thẩm định tài liệu; đào tạo …
Đầu năm học 2022-2023, Đắk Lắk có 1.011 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, với 484.185 học sinh. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ khoảng 34 %). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện đang làm việc trong toàn ngành là 34.873 người.
Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kiên cố hóa trường lớp học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học tối thiểu để thực hiện chương trình (GDPT) 2018. Cụ thể, về phòng học phục vụ giảng dạy, tỷ lệ phòng học kiên cố ở tất cả các bậc học đạt 71,9%; 95% trường học có thư viện, 76% trường có phòng thiết bị giáo dục, 21% trường có phòng tư vấn học đường và 35% trường có phòng truyền thống; toàn tỉnh có trên 75% trường có phòng y tế học đường, 100% trường có khu vệ sinh, cổng tường rào. Đối với bậc tiểu học có 93% số trường đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bậc trung học cơ sở có 84% số trường đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bậc trung học phổ thông có 96% số trường đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đồng chí H’ Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, nhìn chung, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn chưa đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ dạy học theo chương trình GDPT 2018. Tỷ lệ phòng học/lớp ở bậc THCS còn thấp, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn 01 phòng/lớp để dạy 02 buổi/ngày. Phần lớn các trường tiểu học và THCS còn thiếu phòng bộ môn và các phòng phụ trợ, hỗ trợ học tập. Bên cạnh đó, tỷ lệ kiên cố hóa ở bậc tiểu học còn thấp; số lượng các công trình không kiên cố, có niên hạn sử dụng trên 20 năm và không thường xuyên được duy tu, sửa chữa còn nhiều. Đặc biệt là vẫn còn một số trường phải sử dụng các phòng học tạm và thiếu phòng học, phải học nhờ các cơ sở khác. Hệ thống sân chơi, bãi tập, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất, phát triển thể thao học đường và các hoạt động ngoài giờ lên lớp còn rất thiếu thốn.
Đội ngũ giáo viên đã được bố trí dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và các trường trung học có điều kiện. Tuy nhiên, so với định mức giáo viên các cấp học quy định tại các Thông tư, tính đến cuối tháng 4/2022 toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 1.260 biên chế (giáo viên, nhân viên) theo định mức. Một số môn đặc thù như tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học; Âm nhạc, Mỹ thuật cấp tiểu học và THPT không có đủ nguồn để tuyển dụng mặc dù có chỉ tiêu biên chế giao. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại còn nhiều hạn chế.
Đồng chí Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thay mặt đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả của tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn của tỉnh về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.
Đồng chí đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan liên quan hoàn chỉnh nội dung báo cáo; trong đó, cần đánh giá, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, các đối tượng triển khai thực hiện chương trình; tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất liên quan đến các nội dung được giám sát, nội dung các văn bản quy định có liên quan nhằm kịp thời báo cáo, đề xuất các cơ quan liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ban hành, tham mưu ban hành về triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác huy động xã hội hóa giáo dục, việc đảm bảo nguồn lực, sử dụng biên chế của UBND các huyện, thị xã, thành phố; tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình …