Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh Hội thảo
Trải qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành về các quan hệ tài sản, đất đai đã tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phụ nữ, thể hiện rõ trong quy định bắt buộc hai vợ chồng cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy định này đã có tác động rất lớn đến nhận thức của nam giới và phụ nữ về quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận đất đai ở cả nông thôn và thành thị.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung, truyền thông trong các cấp Hội nói riêng đã phát huy hiệu quả trong việc phổ biến, tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của người dân về các quan hệ giới trong Luật Đất đai, trở thành tiền đề quan trọng giúp phụ nữ có cơ hội bình đẳng hơn trong quan hệ sở hữu tài sản về đất đai của gia đình, dòng họ và trong cộng đồng. Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện nay thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng lên đáng kể. Quyền tiếp cận, sở hữu đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện bình đẳng giới.
Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó, phải kể đến tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như trong giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến; nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận, sở hữu, định đoạt về tài sản đất đai của phụ nữ so với nam giới.
Ý kiến phát biểu của đại diện Hội LHPN các cấp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung trọng tâm như: đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ cần vợ chồng không cần hộ gia đình; cần có chế tài đối với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng đất không hiệu quả để hoang hóa, bình ổn giá đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; có cơ chế để hộ nghèo được tiếp cận với đất ở; cần có quy định riêng cho khu đất của Quân sự; cấp ủy, chính quyền cần hỗ trợ cấp lại quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi các hộ dân hiến đất, tránh tình trạng tranh chấp đất đai; cần có biện pháp, giải pháp trong việc quản lý đất đai trong vùng đồng bào DTTS nhằm hạn chế tình trạng bán đất gây hệ lụy đất sản xuất trong tương lai; giảm bớt các thủ tục hành chính về đất đai vì quá rườm rà, phức tạp và đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng sử dụng đất; những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng sử dụng đất, định giá đất, bồi thường giải tỏa, phân cấp trong thẩm định giá; bổ sung một số cụm từ tại các điều khoản cho phù hợp… Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề Bình đẳng giới, quyền và lợi ích của phụ nữ về quyền tiếp cận, sở hữu, định đoạt về tài sản đất đai.
Trên cơ sở các thông tin, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Hội LHPN tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu lên Hội cấp trên, góp phần đảm bảo thu hẹp dần khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo các quy định của Luật được rõ nét, phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đất đai.