Chiều 29/3, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk nhằm khảo sát chính sách phát triển kinh tế tập thể (KTTT) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị hữu quan trong tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đắk Lắk hiện có 708 hợp tác xã (HTX) gồm 487 HTX lĩnh vực nông nghiệp và 221 HTX phi nông nghiệp; 5 Liên hiệp HTX và gần 400 tổ hợp tác (THT). Trong đó có 574 HTX đang hoạt động, 134 HTX ngừng hoạt động đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể. Đến nay, ước tính có khoảng 69.000 thành viên tham gia HTX, liên hiệp HTX và 7.380 thành viên tham gia THT.
Toàn tỉnh có 442 HTX thuộc địa bàn xã vùng đồng bào DTTS, chiếm 62,4%; có khoảng 60 HTX có thành viên là người DTTS tham gia, chiếm 8,4%, trong đó có khoảng 30 HTX có Chủ tịch Hội đồng quản trị là người DTTS.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực chỉ đạo, triển khai Luật HTX và hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn, từng bước tạo môi trường kinh doanh, phát triển thuận lợi cho khu vực KTTT. Các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT đã có tác động tích cực đến việc đổi mới, phát triển KTTT, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nông dân về vai trò của HTX trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các HTX, THT đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã nêu một số đặc điểm đặc thù của phát triển KTTT tỉnh Đắk Lắk nói chung cũng như các HTX vùng DTTS nói riêng, những khó khăn, tồn tại của các HTX, THT trên địa bàn. Trên cơ sở đó, dành nhiều thời gian tham gia ý kiến cụ thể vào Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) nhằm giải quyết các khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy phát triển các tổ chức KTTT như: cần quy định rõ mức vốn góp tối thiểu mà cá nhân, tổ chức phải góp vào vốn điều lệ để trở thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của HTX, liên hiệp HTX; nghiên cứu điều chỉnh, quy định cụ thể hơn về tiêu chí thụ hưởng chính sách Nhà nước của HTX, liên hiệp HTX; đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn quy định ưu tiên bố trí quỹ đất cho THT, HTX, liên hiệp HTX thuê, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật khác hiện hành; xem xét điều chỉnh theo hướng miễn (không phải chịu lệ phí trước bạ) đối với cá nhân, tổ chức khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu đãi với HTX có phụ nữ làm quản lý, nhất là phụ nữ DTTS; ưu tiên đào tạo, thu hút nhân lực trẻ, nhất là người DTTS tại chỗ; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ HTX vùng DTTS, miền núi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhất là hỗ trợ tiếp cận thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; quan tâm hơn nữa đến các HTX nông nghiệp, đặc biệt là trong các trường hợp gặp rủi ro dịch bệnh, thiên tai, đồng thời tạo điều kiện, đẩy mạnh liên kết sản xuất cho nông dân, nhất là vùng DTTS…
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong phát triển KTTT, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN trên địa bàn. Đồng thời đề nghị, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục góp ý vào Dự thảo Luật HTX (sửa đổi), đặc biệt lưu ý đến những chính sách phát triển KTTT vùng DTTS để Dự thảo Luật sớm được hoàn thiện, trình Quốc hội trong các kỳ họp tới, qua đó tạo nhiều đổi mới, đột phá quan trọng trong việc phát triển khu vực KTTT.