Chiều 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Lấy ý kiến đóng góp Luật Đất đai Sửa đổi” trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Tham dự hội nghị có lãnh đạo HĐND, các sở, ban, ngành; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ; Chuyên gia và doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị đại biểu tham gia góp ý kiến vào nội dung: Thẩm quyền giao đất cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Thẩm quyền thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi giao thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thể chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; Bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày dự thảo Luật.
Bà Lê Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; định giá đất… Nhiều đại biểu đề nghị cần nêu rõ quan điểm xử lý đối với những diện tích đất do các nông lâm trường quản lý nhưng người dân đang sử dụng, đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.
Đồng chí Trần Đình Long- Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp luật của Quốc hội tham gia ý kiến.
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận: Qua tổng hợp, nhiều ý kiến góp ý thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế đổi mới hiện nay đã được nhân dân nêu ra. Những kiến nghị này sẽ được cơ quan soạn thảo tổng hợp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp thu đầy đủ báo cáo đến Chính phủ, Quốc hội tại kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Đồng chí Y Khút Niê- Nguyên Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2016 – 2021 tham gia ý kiến.
Trước đó, thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các sở, ngành, địa phương, mặt trận tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức 66 hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên môn sâu, theo chuyên đề. Hơn 430 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp và hàng ngàn ý kiến gửi về ban soạn thảo đã thể hiện tính chủ động và sự quan tâm sâu sắc của toàn dân đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, sau khi lấy ý kiến Nhân dân, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý ý kiến góp ý của các bộ, ngành và Nhân dân, hiện dự thảo Luật có những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh như: quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm; thẩm quyền thu hồi đất quốc phòng, an ninh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…
Ông Đinh Văn Khiết, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, những quy định đổi mới trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ tạo được sự thống nhất, đồng bộ đảm bảo tính hiệu quả trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, riêng với khu vực Tây Nguyên, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, luật cần có những quy định cụ thể về cấp giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất để nhóm đối tượng này có trách nhiệm trong sở hữu và sử dụng đất hiệu quả thay vì được cấp xong lại đem bán, cơ quan soạn thảo cần xây dựng chế tài chính sách thế nào để đáp ứng được với bất cập từ thực tiễn. |