Sáng 23/5, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động tại Khu Công nghiệp Hòa Phú và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Quang cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện một số đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk và hơn 200 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác nhân sự, chính sách Bảo hiểm xã hội; cán bộ Công đoàn cơ sở; cùng đại diện người lao động đến từ 35 doanh nghiệp trên địa bàn.
Bà Dương Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, bà Dương Ngọc Ánh – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, cả nước có hơn 17,4 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, đạt 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,2 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 90,9 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, chiếm hơn 92% dân số.
Với số đối tượng lớn và tăng dần qua các năm, nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách của người tham gia cũng luôn phát sinh, đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam không ngừng cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách cho người tham gia. Hội nghị đối thoại là kênh thông tin quan trọng, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội; quy trình tổ chức thực hiện…
Trên cơ sở đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp các ý kiến và kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội trong việc xây dựng chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân…
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin một số điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: Mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương được tham gia và hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ thai sản đối với loại hình Bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu…
Người lao động nêu các ý kiến kiến nghị.
Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn; tổng quan, cập nhật các điểm mới, hướng dẫn các quy định pháp luật về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ năm 2022, 2023 đến các doanh nghiệp. Trong đó, nội dung trọng tâm là một số điểm lưu ý về thời gian hợp đồng lao động để xác định người tham gia Bảo hiểm xã hội; lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; một số sai phạm thường gặp tại doanh nghiệp và những chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; một số nội dung của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi…
Tham dự hội nghị, các chuyên viên ngành Bảo hiểm xã hội và người lao động đã đối thoại trực tiếp, giải đáp những vấn đề liên quan, những vướng mắc, tình huống thực tế trong việc triển khai thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp…
Đại diện lãnh đạo ngành Bảo hiểm xã hội tham gia đối thoại, giải đáp các kiến nghị của người lao động.
Nhân dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện lấy ý kiến khảo sát người dân, doanh nghiệp về một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung đang được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới; khảo sát đề xuất bổ sung các tính năng trên VssID để người lao động tự thực hiện các giao dịch đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của người dân để tham mưu trong quá trình hoàn thiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và hoàn thiện ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số trong thời gian tới.