Sáng 1/6, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc –UNDP và các bên liên quan tổ chức Hội thảo thông qua đề xuất Dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp” tại xã Krông Nô, huyện Lắk.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, – Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP/GEF SGP; đồng chí Lại Thị Loan – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành, địa phương liên quan.
Dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp” sẽ được thực hiện từ tháng 6/2023 – 12/2024 tại Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong, xã Krông Nô- huyện Lắk, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.
Đồng chí Lại Thị Loan – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu khai mạc
Dự án tập trung vào hoạt động gồm: Tổ chức tập huấn kiến thức chung; Tổ chức tập huấn về liên kết sản xuất; Hướng dẫn chuyên sâu; Tổ chức học tập thực tế thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tham vấn ý kiến. Qua đó dự án hướng đến nâng cao nhận thức của hộ đồng bào dân tộc thiểu số về liên kết phát triển kinh tế tập thể và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng và tham gia sàn thương mại điện tử tại Đắk Lắk. Xây dựng thí điểm mô hình vườn mẫu sầu riêng kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia UNDP-GEF SGP thông tin về dự án
Kết quả dự kiến có 200 nông dân sản xuất sầu riêng được nâng cao năng lực về liên kết phát triển kinh tế tập thể (trong đó có 09 thành viên là người dân tộc thiểu số thuộc Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong). Vận động ít nhất 20 nông dân với diện tích sản xuất sầu riêng ít nhất là 50.000 m2 (05 ha) tham gia hợp tác xã sầu riêng Thông Phong nâng tổng số thành viên tham gia hợp tác xã sầu riêng Thông Phong là 30 thành viên với luỹ kế diện tích đất sản xuất sầu riêng là 200.000 m2 (20 ha).
Xây dựng 01 vườn mẫu tại 01 hộ nông dân với diện tích sản xuất sầu riêng ít nhất là 40.000 m2 (4 ha), trong đó, sản xuất được gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Vườn sầu riêng được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện nông nghiệp tuần hoàn kết hợp với phân loại, thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp.
Đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo
09 hộ người dân tộc thiểu số với diện tích 150.000 m2 (15 ha) thực hiện ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh (App Nextfarm) để khai báo, theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng. Đồng thời, khách hàng được trải nghiệm toàn bộ quy trình sản xuất ra quả sầu riêng trên App Nextfarm.
Sản phẩm của Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong được tham gia thương mại điện tử tại website chonongsandaklak.vn của Hội Nông dân tỉnh, voso.vn của Viettel, Postmart.vn của Bưu điện.
Thí điểm xây dựng 01 mô hình tại 01 hộ nông dân với diện tích sản xuất ít nhất là 40.000 m2 (4 ha) về du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với sản xuất sầu riêng.
Hoàn thiện 01 tài liệu về qui trình hướng dẫn ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh (App Nextfarm) và 01 tài liệu về xây dựng vườn mẫu gắn với du lịch trải nghiệm.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đây là Dự án đầu tiên được UNDP tài trợ có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đề nghị các sở, ngành, UBND huyện Lắk phối hợp tốt trong giải ngân nguồn vốn, hoạt động tập huấn, hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong khâu sản xuất, kết hợp du lịch bền vững để nhân rộng cho địa phương khác.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lại Thị Loan- cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các cấp, các ngành về quy trình thực hiện dự án và lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án… của các cấp, ngành để tạo nguồn lực tổng thể, đồng bộ nâng cao hiệu quả của dự án. Kỳ vọng rằng, Dự án sẽ góp phần giải quyết bài toán sinh kế cho người nông dân, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Dự án được triển khai cũng góp phần vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới; Chuyển đổi số; giảm nghèo bền vững của tỉnh. Qua đó góp phần thay đổi phương thức sản xuất của hộ nông dân, hình thành mô hình nông nghiệp gắn với du lịch đa giá trị, phát triển bền vững và nhân rộng trong toàn tỉnh.
Trước đó, từ ngày 25/3 – 1/4/2023, Hội Nông dân tỉnh tiến hành khảo sát thực địa tại xã Krông Nô. Hiện trên địa bàn chưa có vườn mẫu sản xuất sầu riêng gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đề xuất lồng ghép với các dự án của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh bố trí 01 dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn tối đa là 500 triệu đồng trong thời gian 3 năm, số lượng nông dân thụ hưởng ít nhất 10 người từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Hình thành vườn mẫu sản xuất sầu riêng thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh và tạo nên chuỗi giá trị sản xuất.
Tại Hội thảo, các đơn vị cũng chia sẻ nhiều tham luận tập trung chủ đề gồm: lộ trình xây dựng, phát triển các hợp tác xã về ứng dụng công nghệ thông minh, kết hợp sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ du lịch; Phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, những giải pháp liên kết các địa điểm du lịch của tỉnh với Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong thành tour du lịch; Sự phối hợp, tham gia của UBND huyện Lắk trong xây dựng Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong thành điểm du lịch của huyện và thành vườn mẫu để nhân rộng trên địa bàn huyện.