Sáng 7/6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh chủ trì cuộc họp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Tại cuộc họp, các địa phương, đơn vị đã nêu một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án. Theo đó, huyện Cư Kuin kiến nghị chủ đầu tư sớm tiến hành bàn giao hướng tuyến và mốc đối với tuyến kênh mương để huyện thực hiện các bước tiếp theo. Huyện Ea Kar kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh, chủ đầu tư Dự án thành phần 3 cho ứng tiền theo phương án tổng thể nhằm rút ngắn thời gian chi trả, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng.
Huyện M’Drắk kiến nghị đơn vị liên quan sớm thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đối với cây Keo cho phép người dân được tận thu sau khi bồi thường. Huyện Krông Bông kiến nghị cho chủ trương và hướng dẫn phương pháp khai thác, tận thu, thanh lý nộp vào ngân sách Nhà nước đối với cây rừng mọc tự nhiên trên đất; đối với 13 bãi đổ thải và 2 mỏ đất đề nghị chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát hiện trạng rừng để làm cơ sở xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đề nghị chủ đầu tư không được tác động đến diện tích đất và rừng thuộc Dự án đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông.
Ông Đỗ Quang Trà – Giám đốc Sở GTVT báo cáo tiến độ dự án
Theo báo cáo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A): Tính đến đầu tháng 7.2023, tại dự án thành phần 3, thuộc tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cơ quan chức năng các địa phương đã và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho dân.
Cụ thể, tại địa bàn huyện Ea Kar, UBND huyện đã làm xong công tác đo đạc trích lục diện tích đất có cao tốc đi qua và thông báo thu hồi 81,2ha đất (tổng 83,69ha). Cơ quan chức năng đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với diện tích 17,6ha đất tương ứng với 2,37km (11,21km).
Còn tại huyện Krông Pắc, UBND huyện đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với diện tích đất 39,5ha tương ứng với chiều dài 3,99km (tổng 33,31km).
Riêng ở huyện Cư Kuin, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ lên tới 33,2 tỉ đồng cho 2 tổ chức và 65 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bàn giao mặt bằng chủ đầu tư với diện tích 12,58ha đất tương ứng với 2,25km (tổng 3,57km).
Đối với huyện Krông Bông diện tích thu hồi đất đi qua địa bàn chủ yếu là đất lâm nghiệp (158 ha/169 ha) chưa nhận được kết quả phê duyệt đơn giá đền bù cho cây keo của nhân dân tự trồng, không có cơ sở để lập Phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Trong khi đó, diện tích thu hồi đất trên địa bàn huyện có hơn 70% là diện tích trồng keo, điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB theo yêu cầu đề ra.. Huyện Krông Bông gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp để tính mức hỗ trợ, bồi thường.
Lãnh đạo Ban A đề xuất giải pháp đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án
Theo báo cáo đánh giá, công tác triển khai giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chậm so với kế hoạch đề ra, các địa phương chỉ mới bàn giao 8.61km (tổng 48,09 km) để chủ đầu tư làm đường.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Ban A sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, tư vấn… của dự án. Tất cả các địa phương đều phải bàn giao 100% mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai dự án, đảm bảo tiến độ của dự án, đơn vị nào chậm tiến độ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
UBND huyện Ea Kar đề xuất tháo gỡ một số khó khăn trong giải ngân kinh phí bồi thường cho người dân
Hiện Ban A vẫn đang gặp nhiều khó khăn tại cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân vùng dự án đi qua. Ban A kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Quyết định số về việc giao chi tiết kế hoạch thông báo sau vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với số vốn 686 tỉ đồng. Trong đó, phân khai chi tiết theo ý kiến của Kho bạc nhà nước tỉnh để đảm bảo giải ngân được chi phí giải phóng mặt bằng; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cần sớm phê duyệt giá cây keo, cây bời lời theo đề nghị của cơ sở.
Ngoài ra, cơ quan chức năng vẫn đang gặp khó khăn khi xác định diện tích cây cao su là cây công nghiệp, hay rừng trồng phải thực hiện theo hướng dẫn của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chính vì vậy, UBND tỉnh cần phải tổ chức xây dựng phương án giá rừng trồng để tổ chức bán đấu giá, thu hồi cho ngân sách nhà nước và được thực hiện khấu trừ trong phương án đề ra, lãnh đạo Ban A thông tin thêm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh để nghị Sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt nhiệm vụ giải ngân kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 đúng tiến độ, đảm bảo ứng vốn, hoàn ứng và chi bồi thường minh bạch đúng quy định của pháp luật;
Sở Tài chính căn cứ ý kiến các ngành phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh để lập phương án phân bổ ưu tiên nguồn lực Trung ương bố trí cho giải phóng mặt bằng; quan tâm bố trí nguồn vốn kịp thời, giải ngân đúng tiến độ cho dự án trọng điểm của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các ngành sớm tham mưu báo cáo UBND tỉnh kết quả thẩm định phương án giá rừng trồng cây Keo lai và cây Bời lời theo quy định; tháo gỡ khó khăn theo hướng người dân được tận thu rừng sau khi nhận hỗ trợ bồi thường, hướng dẫn việc khai thác tận thu, tận dụng đối với cây lâm nghiệp tập trung.
Về điều chỉnh giá đất, đo đạc kiểm kê đất rừng, yêu cầu Sở TN&MT sớm tháo gỡ khó khăn cho địa phương xử lý hiệu quả theo quy định chung; tuyên truyền giải thích cho người dân nắm rõ và đồng lòng thực hiện; cấp phép khai thác mỏ vật liệu và bãi thải, xem xét mỏ đá đảm bảo an ninh trật tự khu vực sinh hoạt của người dân. Ban A khẩn trương hoàn thành phê duyệt thiết kế và lựa chọn nhà thầu đúng tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án….
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, chiều dài 31,5km. Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, chiều dài gần 37km. Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, chiều dài hơn 48km. Dự án thành phần 3 đi qua 3 huyện gồm Ea Kar, Cư Kuin và Krông Pắc, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 331 ha, đến nay mới bàn giao hơn 88 ha. Dự án thành phần 2 qua địa bàn 3 huyện gồm Ea Kar, M’Drắk và Krông Bông, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là gần 318 ha, mới chỉ bàn giao 15 ha. Hiện các địa phương đều gặp khó khăn chung về công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất, giá bồi thường, hỗ trợ cây lâm nghiệp… |