Ngày 3/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn kiểm tra về công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; công tác chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Krông Ana.
Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Krông Ana
Đoàn kiểm tra đã đi khảo sát một số di tích đã xếp hạng, di tích tiềm năng, đồng thời làm việc với UBND huyện Krông Ana nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa; công tác chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đoàn đã hướng dẫn công tác lập Quy hoạch, Quy hoạch chi tiết di tích thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng theo quy định của pháp luật về xây dựng và nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành; hướng dẫn việc lập Danh mục kêu gọi đầu tư dự án đối với di tích thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng; các di tích tiềm năng tại địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công; Kiểm tra, hướng dẫn quy định của pháp luật về lâm nghiệp có liên quan đến đất di tích thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng; đất di tích có liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Đoàn hướng dẫn công tác lập Quy hoạch chi tiết di tích thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Ana, công tác chỉ đạo, quản lý bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá trên địa bàn huyện đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản trong của Nhân dân được nâng lên, người dân có ý thức, tự giác trong việc giữ gìn bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh, góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc. Những di sản được trao truyền theo thế hệ trong cộng đồng thôn, buôn, tổ dân phố, gia đình đã và đang duy trì tốt, đây là món ăn tinh thần và là nét đẹp văn hoá riêng của người dân còn gìn giữ được cho đến ngày nay như: Dệt thổ cẩm, Nặn đồ gốm, Đan lát, Chế tác nhạc cụ…
Trên địa bàn huyện có thác Dray Sáp Thượng, thác Dray Nur được xếp hạng di tích quốc gia, đây là tiềm năng và lợi thế góp phần phát triển du lịch của huyện; Cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn thực hành di sản của mình trong các ngày Lễ, Tết, ngày quan trọng tại các thôn, buôn như: Trình diễn Cồng chiêng, biểu diễn Đinh năm, Đinh tút, Đàn goong, Đàn Môi; hát bài chòi; các nghi lễ, lễ hội như Lễ cúng sức khỏe, Lễ mừng lúa mới, Lễ kết nghĩa anh em..
Thành viên đoàn khảo sát di tích thác Drai Nur, thác Drai Sáp Thượng
Công ty TNHH đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing đã đầu tư mở Tour du lịch mạo hiểm tại khu du lịch thác Dray Sáp Thượng, Dray Nur đưa vào hoạt động đã mang lại tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những Di sản còn tồn tại, đã và đang được bảo vệ tốt thì có một số di sản có nguy cơ bị mai một trong đời sống cộng đồng các dân tộc; Do điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội và sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin đã tác động đến đời sống của người dân, mà di sản đã dần bị quên lãng. Thế hệ trẻ chưa có tâm huyết để trao truyền, lớp nghệ nhân và những người thực hành hoặc biết đến cũng bị cuộc sống mưu sinh và xu hướng của nền kinh tế thị trường, trong cộng đồng dân cư làng, xã đã từng tồn tại di sản đó; Đa số các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, lớp trẻ theo lối sống hiện đại, đi làm ăn xa, lại không có tâm huyết, yêu thích học nghề truyền thống nên khó khăn trong việc truyền dạy. Việc mở các sản phẩm dịch vụ tại di tích còn quá ít và đơn điệu, chưa tổ chức được các hoạt động tại di tích; việc đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy di tích còn hạn chế.
UBND huyện Krông Ana kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có chính sách đãi ngộ cụ thể đối với các Nghệ nhân, Già làng, Trưởng buôn, người có uy tín trong việc giữ gìn, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Có chế độ khuyến khích người dân thực hành các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể một cách thường xuyên. Hằng năm, bổ sung kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, công tác kiểm kê Di sản văn hóa để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Sở VHTT&DL cho biết, thông qua đợt kiểm tra nhằm đánh giá kết quả 03 thực hiện Đề án bảo tồn và pháy huy giá trị di tích đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt kèm theo Quyết định số 2615/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh (Đề án 2615); từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.