Triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng những tháng cuối năm 2023

Sáng 30/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến hết năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 497.018 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 413.845 ha, rừng trồng 83.173 ha), diện tích đất chưa có rừng 239.689 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,03% (giảm 0,32% so với cùng kỳ năm ngoái). Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đến nay đã thực hiện trồng được trên 1.098 ha, đạt 58,6 % so với kế hoạch; trồng cây phân tán 65.755 cây, đạt 32,9% so với kế hoạch.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và các đối tượng quản lý rừng; huy động lực lượng truy quét các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh; tuần tra kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong đợt cao điểm của mùa khô; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra.

Đại tá Nguyễn Văn Bôn – Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý, bảo vệ rừng được chính quyền các cấp quan tâm, qua đó đã tạo được những kết quả tích cực, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện xử lý kịp thời. Theo đó, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 604 vụ vi phạm, giảm 169 vụ so với cùng kỳ năm 2022; qua đó đã xử lý 532 vụ, trong đó xử lý hành chính 524 vụ; hình sự 8 vụ, tịch thu 221 m3 gỗ và 66 phương tiện các loại, nộp ngân sách 536 triệu đồng…

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước trong đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, tạo thu nhập cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng, cải thiện đời sống người làm nghề rừng, đồng thời, huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, giảm áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh tuy có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm là tình hình phá rừng trái pháp luật tại các huyện Krông Bông, Cư M’gar, Ea Súp, khai thác rừng trái phép tại huyện M’Drắk; nhiều diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, xâm canh, lấn chiếm trái phép nhưng chưa xử lý giải tỏa, thu hồi để phục hồi lại rừng hoặc bố trí sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch; chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng chưa tương xứng với lao động và thu nhập của người lao động; việc quản lý các dự án nông lâm nghiệp thuê đất thuê rừng của UBND cấp huyện còn nhiều hạn chế…

Advertisement

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu kết luận hội nghị.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2024 trình UBND tỉnh phê duyệt.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy và chữa cháy rừng nhằm tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn sau khi đã phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, chính quyền cấp xã nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm việc thực hiện quản lý nhà nước; rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê, hiện đang tạm giao cho UBND cấp xã quản lý để tổ chức lập kế hoạch và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng năm 2023; tăng cường công tác quản lý diện tích đất có nguồn gốc thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý; tổ chức kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, các ngành, cá nhân liên quan; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát…

Advertisement

About admin

Check Also

Va chạm giao thông trên Quốc lộ 27: Hai người tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 27 khiến hai người …