Từng có một thời hoàng kim mà mức giá có lúc lên đến 100.000 đồng/kg (bơ booth), thế nhưng trái bơ đã nhanh chóng rớt giá thê thảm nhiều năm liền.
Đặc biệt, trong năm 2023, giá bơ chạm đáy, cây bơ đang bị nông dân ở nhiều địa phương chặt bỏ không thương tiếc trước “sức nóng” của cây sầu riêng.
Lặp lại điệp khúc trồng – chặt
Thời điểm này ở Tây Nguyên chỉ còn dòng bơ booth đang cho thu hoạch. Đây là giống bơ từng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân làm giàu. Thế nhưng, nhiều năm liên tục, giá bơ booth xuống thấp, đầu ra không ổn định khiến nhiều người chán nản. Đặc biệt trong năm 2023, bơ booth vừa bị mất mùa, vừa chất lượng thấp do người dân không đầu tư chăm sóc dẫn đến giá đã thấp nay lại còn thấp hơn. Tình trạng này kéo theo nhiều vườn bơ sau khi đã thu hoạch xong, người dân đã chặt bỏ không thương tiếc.
Bà Vũ Thị Hòa (phường Thiện An, TX. Buôn Hồ) cho biết, nhà bà trồng xen hơn 30 gốc bơ booth được 6 – 7 năm, nhưng năm nay mất mùa, không có cây nào đậu quả nên đã gọi người đến chặt hết. “Thời điểm bơ booth có giá trị kinh tế cao nên gia đình cũng mua giống về trồng xen trong vườn cà phê. Tuy nhiên, khi cho thu hoạch thì giá bơ xuống thấp, lại hay bị mất mùa, sâu bệnh, đầu ra lại không có nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Gia đình quyết định phá bỏ để trồng cây khác”, bà Hòa nói.
Trên thực tế, không chỉ riêng hộ bà Hòa phá bỏ vườn cây mà có rất nhiều hộ trồng cây bơ xen trong vườn tiêu, vườn cà phê phần lớn đã chặt bỏ dần để trồng xen sầu riêng. Một số hộ trồng thuần cũng phá bỏ bớt để trồng xen sầu riêng hoặc rao bán vườn cây.
Bà Nguyễn Thị Thơ (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Là người hay thu mua bơ của nông dân để mang đi dự hội chợ nông sản ở các tỉnh thành, người tiêu dùng ở những nơi đó rất thích loại bơ này và luôn không đủ hàng để bán. Thế nhưng năm nay thật sự là xót xa khi chứng kiến nhiều vườn bơ đến 7 – 8 năm tuổi, thương lái vừa hái xong trái là người dân mang theo dao chặt bỏ luôn vì giá trị kinh tế mang lại quá thấp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường về trái bơ vẫn đang rất cao, nhưng do việc kết nối thương mại từ người trồng đến người tiêu dùng vẫn còn rất kém. Thật sự là đáng tiếc!”.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng bơ lớn đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Lâm Đồng); sản lượng đứng thứ nhất (gần 90.000 tấn), chiếm 40,6% sản lượng bơ của cả nước. Trong những năm từ 2018 – 2021, diện tích bơ của tỉnh tăng nhanh (năm 2021 đạt 9.146 ha, tăng 3.540 ha so với năm 2018). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng bơ rớt giá nên diện tích giảm dần còn 7.200 ha. Hiện tại, giá bơ booth ở các vườn đã xuống thấp nhất trong những năm qua, được thương lái thu mua xô khoảng 8.000 đồng/kg, tuy nhiên ở những vườn trái xấu, thương lái chỉ mua tầm 5.000 đồng/kg hoặc thấp hơn.
[ Điệp khúc “trồng – chặt” và nguy cơ bất ổn cho những ngành hàng nông sản ]
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Cây bơ ở Đắk Lắk chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập. Các giống bơ phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm: bơ booth 7, bơ tứ quý, bơ 034, giống bơ địa phương… Tuy nhiên, sự phát triển bơ trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn thiếu bền vững cả về tổ chức sản xuất đến kết nối tiêu thụ sản phẩm. Việc gia tăng khá nhanh về diện tích đã phát sinh nhiều bất cập về giống, quy trình công nghệ, vốn đầu tư, kết nối thị trường… Nhiều nông dân cũng đã sử dụng những giống bơ trái vụ hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây bơ ra trái sớm hoặc muộn hơn. Thế nhưng, những diện tích này hiện đã phát triển rất nhiều khiến sản lượng bơ trái vụ cũng nhiều như bơ chính vụ, dẫn đến khi vào vụ thu hoạch, nông dân thường bị thương lái ép giá.
Mặt khác, công tác quản lý sau thu hoạch cho quả bơ chưa được quan tâm (chưa xác định rõ độ chín thu hoạch, thời gian thu hoạch, dụng cụ chứa quả chưa đảm bảo vệ sinh, vận chuyển thô sơ…) khiến chất lượng quả biến đổi nhanh chóng, tổn thất sau thu hoạch cao. Trong khi đó, mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bơ với công nghệ tiên tiến hiện đại; diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ còn rất ít so với diện tích bơ của toàn tỉnh.
Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bơ Đại Hùng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện nhu cầu sử dụng bơ tương đối lớn, nhưng số lượng bơ đạt chất lượng tương đối ít; loại bơ đạt chất lượng để lên kệ siêu thị lớn dường như không có. Hiện tại, ở các vườn liên kết, HTX thu mua bơ booth với giá cao, loại 1 là 20.000 đồng/kg, loại 2 là 8.000 đồng/kg. Sản phẩm của HTX cung ứng cho các cửa hàng trái cây và siêu thị nhỏ. Bình quân mỗi ngày HTX xuất khoảng 300 kg, tuy nhiên hiện vẫn không đủ nguồn cung do vùng trồng bị thu hẹp dần, bà con lại không đầu tư chăm sóc nên chất lượng thấp, thu mua cũng chỉ bán xô cho các vựa trái cây.
Để bảo vệ trái bơ – từng là đặc sản của vùng Tây Nguyên trước “sức nóng” của sầu riêng, nhiều năm qua, HTX đã liên kết với một số nông hộ, với tổng diện tích 15 ha để cải tạo lại vườn cây với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đa dạng về giống loài, mùa vụ, bảo đảm việc có bơ thu hoạch quanh năm. Đồng thời, HTX liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang để cung cấp nguyên liệu bơ hữu cơ cho doanh nghiệp sản xuất tinh dầu, phục vụ chế biến mỹ phẩm.
Tuy nhiên, để giải quyết được những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ trái bơ, chỉ có vai trò của HTX thôi chưa đủ, mà cần có sự chung tay, góp sức chính quyền, cơ quan chuyên môn trong việc triển khai chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
>> Nâng cao giá trị nông sản: Câu chuyện ổn định vùng trồng, tuân thủ quy hoạch