Đường sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình văn hóa “Cao nguyên gọi gió và lửa” với nhiều hoạt động hấp dẫn, trưng bày tác phẩm nghệ thuật và biểu diễn âm nhạc, mang văn hóa Tây Nguyên đến gần với du khách. Đây là cơ hội trải nghiệm và hòa mình vào Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Đường sách TP. Hồ Chí Minh – Điểm hẹn văn hóa Tây Nguyên đặc biệt
Vào một ngày cuối tuần tháng 2, Đường sách TP. Hồ Chí Minh bỗng trở thành điểm hẹn văn hóa Tây Nguyên đặc biệt. Chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk với chủ đề “Cao nguyên gọi gió và lửa” đã vẽ nên một bức tranh đầy cảm xúc, đưa người xem trở về với mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên hùng vĩ và trữ tình.
Tây Nguyên trong tâm thức người Việt luôn gắn liền với những bản hùng ca của núi rừng, tiếng cồng chiêng vang vọng và những câu chuyện sử thi truyền đời. Giữa lòng phố thị sôi động, âm sắc Tây Nguyên vang lên mang theo hơi thở của đất, của gió và của lửa đại ngàn. Bước chân vào không gian của chương trình, khán giả như lạc vào một góc Tây Nguyên thu nhỏ.
Những tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ Phạm Huỳnh, Quang Khải, Vũ Duy Thương, Trần Thị Mùi, Bảo Hưng, Tôn Thất Tuấn Ninh… đầy màu sắc, kể về vẻ đẹp của vùng đất, con người, văn hóa Tây Nguyên hay về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột… Những hiện vật văn hóa dân tộc như cồng chiêng, đàn t’rưng, thổ cẩm, những vật dụng đời thường làm từ gốm của dân tộc M’nông… được trưng bày tinh tế tạo nên một không gian đậm chất văn hóa.
Ca sĩ Y Moan Hmok và nghệ sĩ Ánh Tuyết biểu diễn tại chương trình.
“Chúng tôi rất ấn tượng với cách trang trí và trưng bày của chương trình, đặc biệt là tên chủ đề “Cao nguyên gọi gió và lửa”. Tất cả không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là câu chuyện về cuộc sống, phong cảnh và con người Tây Nguyên…” – anh Sakamor, du khách người Nga chia sẻ.
Nếu phần triển lãm, trưng bày là bức tranh tĩnh thì các tiết mục biểu diễn nghệ thuật lại chính là phần hồn sinh động, thổi sự sống vào không gian văn hóa Tây Nguyên giữa lòng thành phố mang tên Bác. Khán giả có cơ hội được lắng nghe những ca khúc về Tây Nguyên, về tình yêu với cà phê Buôn Ma Thuột như: Tiếng chiêng giao thời (NSƯT Y Phôn Ksor), Nhớ tháng Ba (Linh Nga Niê Kdăm), Lời cây đàn đá (thơ: Lê Giang, nhạc: Linh Nga Niê Kdăm), Lên cao nguyên đi anh (thơ Yên Ninh, nhạc: cố NSƯT Quang Dũng), Bản tình ca cà phê (Đặng Gia Duẩn), Ban Mê thành phố trẻ (Nguyễn Văn Hạnh)… cùng các trích đoạn thơ về Tây Nguyên của các nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Vũ Dy, Lê Huy Thành, Đặng Bá Tiến…
Âm thanh độc đáo từ tiếng trống h’gor trầm hùng, tiếng kypăh âm vang, tiếng kèn đing tuk ngân nga, tiếng đàn t’rưng tre hòa lẫn âm điệu của cồng chiêng ngân vang, khi trầm khi bổng, hòa quyện cùng tiếng suối róc rách và tiếng gió đại ngàn, mang đến cảm giác như lạc vào không gian lễ hội truyền thống của đồng bào ở buôn làng nơi đại ngàn.
Du khách người Nga tham dự chương trình.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Đường sách TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình “Cao nguyên gọi gió và lửa” có sự chuẩn bị quy mô với rất nhiều tâm huyết. Chương trình không chỉ có gió và lửa mà còn có cả âm thanh, sắc màu và hương vị. Đắk Lắk là vùng đất của sử thi, của âm nhạc và của văn hóa. Việc lan tỏa này không chỉ riêng Đắk Lắk mà còn là văn hóa, bản sắc của Việt Nam. Chương trình “Cao nguyên gọi gió và lửa” không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là cầu nối mang văn hóa Tây Nguyên đến gần hơn với du khách mọi miền. Đồng thời, cũng là lời mời chân tình của văn nghệ sĩ, của người dân Đắk Lắk gửi đến người dân các địa phương và du khách đến trải nghiệm và hòa nhịp vui Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 diễn ra từ ngày 9/3 đến 13/3/2025.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info