Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông

Sáng 19/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông”.

Tham dự hội thảo có ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, đại diện các Sở, ban ngành, đoàn thể; các nhà khoa học, giảng viên của các Viện, trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia chia sẻ của hơn 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực khác nhau… đến từ các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học, các cơ quan Trung ương và địa phương đang thường trú tại Đắk Lắk; các nghệ nhân, già làng dân tộc M’nông – chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông; khai thác hiệu quả di sản Lễ mừng thọ của người M’nông gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần tạo thu nhập bền vững; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tại địa phương trong thời gian tới.

Ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em từ các vùng miền về sinh cơ lập nghiệp, có thể ví như một Việt Nam thu nhỏ, đã đoàn kết một lòng chung tay, góp sức xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo nên những nét đẹp văn hóa Cao nguyên Đắk Lắk độc đáo, phong phú, đa dạng, thống nhất và giàu bản sắc.

Trong những năm qua, song song với việc chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn những đét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng bộ quan tâm đặc biệt. Đến nay, tỉnh đã cấp 169 bộ chiêng, 723 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; tổ chức được 128 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ Nhân dân và du khách tại trung tâm văn hóa tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay không gian văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, trong đó lễ hội truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông nói riêng cũng còn đối mặt với khó khăn, thách thức nhất định, do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, công nghệ; những người am hiểu về di sản văn hóa dân tộc ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với bảo tồn văn hóa dân tộc…

Trước những thực trạng nêu trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ được lắng nghe nhiều giải pháp hữu ích để duy trì, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông; khai thác hiệu quả di sản Lễ mừng thọ của người M’nông gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần tạo thu nhập bền vững; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tại địa phương.

“Nội dung, giải pháp trong tham luận tại Hội thảo được sử dụng, tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông trong thời gian tới.

Chúng tôi kỳ vọng qua Hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông ở Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng; đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp hiệu quả để khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông gắn với phát triển du lịch của địa phương trong bối cảnh hội nhập toàn cầu” – ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL nhấn mạnh.

Nhà văn Niê Thanh Mai -Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phát biểu tham luận tại hội thảo

Theo Nhà văn Niê Thanh Mai -Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, phải khẳng định rằng, đây là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của người M’nông, là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cần được bảo tồn, phát huy và lưu truyền. Năm 2022, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk” đã được Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ mừng thọ của người M’nông chứa đựng nhiều ý nghĩa, đặc biệt là như sợi dây chắc chắn mà mềm dẻo để kết nối các thành viên, các thế trong gia đình, dòng họ. Sự kết nối không chỉ trong các thế hệ của một gia đình, dòng tộc mà còn tăng sự đoàn kết trong cộng đồng hơn nữa.

Advertisement

Với sự đặc biệt và giá trị về văn hoá dân tộc như trên, lễ mừng thọ của người M’nông có tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá rất rõ nét. Sản phẩm du lịch đòi hỏi sự không trùng lặp ở các vùng miền, tức là đảm bảo nét riêng, sự thu hút và ấn tượng. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp, sự hợp tác của người dân địa phương. Phục dựng Lễ mừng thọ của người M’Nông cần phải là câu chuyện gắn liền với cộng đồng.

Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục tham gia xây dựng các đề án, kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông

Bà Niê Thanh Mai gợi mở, trong giai đoạn hiện nay, việc thông tin đến công chúng trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các nền tảng mạng xã hội có sức mạnh rất lớn trong việc quảng bá giới thiệu sự độc đáo của văn hoá địa phương. Vì thế để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông rất cần sự chung tay nỗ lực của địa phương các cấp, các ngành và tất cả chúng ta để giữ gìn, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong cả nước.

Lễ mừng thọ của người M’nông được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa; là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành.

Ngày 04/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch đã ban hành Quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL công nhận lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là Di sản có giá trị cần phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy về văn hoá truyền thống các dân tộc Tây Nguyên; đồng thời cũng mở ra tiềm năng cho phát triển du lịch văn hoá bản địa của huyện Lắk nói riêng, Đắk Lắk nói chung.

Advertisement

About admin

Check Also

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý 9 dự thảo luật

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý …