Bàn giao kết quả Đề tài “Điều tra các di tích khảo cổ học tiền – sơ sử huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk” cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chiều 2/6, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã tổ chức bàn giao kết quả đề tài “Điều tra các di tích khảo cổ học tiền – sơ sử huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk” cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk.

Viện KHXH Vùng Tây Nguyên bàn giao hiện vật cho Sở VHTT&DL

Tại buổi làm việc, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã bàn giao Báo cáo tổng hợp đề tài cùng hình ảnh, phiếu miêu tả và 19 hiện vật (chooper, mũi nhọn, công cụ mảnh, mảnh tước, hạch đá…) được tìm thấy trong 2 địa điểm di tích Ea Ô và Cư Ni khảo cổ thời đại Đá cũ Ea Kar.

Di tích Ea Ô thuộc xã 3B, thôn Ea Ô, huyện Ea Kar, có tọa độ địa lý 12042′ vĩ Bắc và 1080 30’ kinh Đông, cao 493 – 510m so với mực nước biển. Di tích nằm trên sườn phía đông của ngọn núi lớn trong vùng.

Di tích Cư Ni thuộc thôn 23, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, nằm trên sườn núi phía tây bắc ngọn núi cao thuộc thung lũng sông Krông Pắc. Di tích có tọa độ địa lý 12°43′ vĩ Bắc và 1080 29’ kinh Đông, cao 485m so với mực nước biển. Di tích phân bố trên một sườn tương đối thoải, tương ứng thềm bậc 2 sông Krông Pắc cổ. Bề mặt bao phủ lớp trầm tích Các thành tạo trầm tích Đệ tứ không phân chia (aQ) trên nền đá gốc cổ vỡ vụn, rải rác cuội đá Quazt và Quatzite. Trên bề mặt di tích đã sưu tầm 4 di vật đá mang đặc điểm Đá cũ.

Vách taluy và hiện vật khảo cổ trong vách taluy di tích Ea Ô

Kết quả khảo sát di tích Ea Ô (493 – 510m) và Cư Ni (485m) đều thuộc thềm sông cổ bậc 2 của sông Krông Pắc xưa kia. Tại rìa di tích, có sự hiện diện của các thành tạo cuội sạn sỏi trầm tích Đệ tứ không phân chia (aQ) có độ mài tròn khá tốt, độ chọn lọc kém – mang dấu hiệu của các thành tạo aluvi cổ còn sót lại theo thời gian địa chất. Các thành tạo cuội sỏi aluvi này có chiều dày không lớn (thường <1m), bị xoá nhoà và khó phân biệt trên/dưới ở mặt cắt địa tầng. Các hiện vật khảo cổ được tìm thấy trong tầng thành tạo này.

Đoàn khảo sát di tích Ea Ô làm sạch vách taly trên diện rộng 2m, sâu vào trong 0,4m và sâu xuống chân 0,8m xuất lộ các di vật khảo cổ.

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, các di tích cùng hiện vật khảo cổ thời đại Đá cũ tại huyện Ea Kar phát hiện năm 2022 là những phát hiện minh chứng sự hiện diện của con người tại vùng đất tỉnh Đắk Lắk từ hàng trăm ngàn năm cách ngày nay. Qua hiện vật được tìm thấy ở các di tích khảo cổ Ea Kar cho thấy, bề dày lịch sử tỉnh Đắk Lắk được kéo dài đến hàng trăm ngàn năm cách ngày nay.

Về giá trị lịch sử của các di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Ea Kar không chỉ mở ra gần triệu năm lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị khoa học trong nhận thức lịch sử tiến hóa của nhân loại. Đắk Lắk là một mắt xích trong nghiên cứu lịch sử nhân loại cũng như diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại.

Theo chuyên gia Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nhận định, các di tích khảo cổ thời đại Đá cũ Ea Kar là tiềm năng lớn, độc đáo và riêng biệt của tỉnh Đắk Lắk trong phát triển kinh tế – xã hội. Đây sẽ là sản phẩm du lịch mới mẻ, có khả năng tạo điểm nhấn và sức hút cho ngành du lịch sinh thái văn hóa – lịch sử của tỉnh Đắk Lắk nói chung, huyện Ea Kar nói riêng. Sở VHTT&DL cần sớm bổ sung thêm điểm du lịch văn hóa – lịch sử, hình thành tuyến du lịch khám phá xuyên suốt dòng chảy lịch sử – văn hóa địa phương.

Advertisement

Thạc sĩ Vũ Tiến Đức – Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên chủ nhiệm đề tài cho biết, với giá trị nổi bật, các di tích thời đại Đá cũ Ea Kar cần được bảo tồn và phát huy nhằm tạo động phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, phục vụ công tác xây dựng khối đại đoàn kết và khẳng định chủ quyền dân tộc. Đối với tỉnh Đắk Lắk, việc khai thác giá trị các di tích Đá cũ Ea Kar phục vụ phát triển du lịch có nhiều thuận lợi. Không gian phân bố di tích gần kề quốc lộ 26 sẽ trở thành tuyến đường du lịch cao nguyên – biển, kết nối du lịch tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh thành ven biển.

Dịp này, lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất sớm triển khai điều tra, khảo sát khẩn cấp trên diện rộng các huyện phía đông tỉnh Đắk Lắk nhằm thu thập nhằm thu thập luận cứ minh chứng rõ hơn về các giá trị di sản, làm cơ sở tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh những nội dung, giải pháp cấp bách và lâu dài trong công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời đại Đá cũ trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 5/2023, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đã phát hiện địa điểm với hiện vật khảo cổ có đặc điểm tương tự hiện vật thời đại Đá cũ thuộc kỹ nghệ An Khê đã biết trước đó.

Các phát hiện tìm thấy tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, trên một gò đất bị xẻ đôi bởi đường tỉnh lộ DT 678B. Hiện vật tìm thấy thuộc loại hình chooper, công cụ hình rìu tay chất liệu đá thạch anh. Hiện vật phân bố trong tầng sỏi cuội đa khoáng tái trầm tích Đệ tứ.

Đáng chú ý, về mặt địa chất, không gian phân bố các hiện vật thuộc không gian lưu vực sông Ba cổ tức cùng cơ tầng địa chất đối với các điểm Đá cũ ở An Khê, Phú Thiện, Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai và Ea Kar thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Những phát hiện này càng minh chứng sự tồn tại cơ tầng Đá cũ tại tỉnh Đắk Lắk và càng đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có những giải pháp về mặt quản lý nhà nước, bảo tồn và khai thác giá trị di sản của các di tích thời đại Đá cũ phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Advertisement

About admin

Check Also

Va chạm giao thông trên Quốc lộ 27: Hai người tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 27 khiến hai người …