Bảo tàng Đắk Lắk – bức tranh đại ngàn thu nhỏ trong lòng Buôn Ma Thuột
Không nổi tiếng như bảo tàng cà phê Buôn Ma Thuột nhưng những giá trị văn hóa độc đáo mà bảo tàng Đắk Lắk đem đến vẫn có một sức hút kỳ lạ với du khách.
Giới thiệu về bảo tàng Đắk Lắk
Tọa lạc tại số 12 đường Lê Duẩn, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, bảo tàng tàng văn hóa các dân tộc với nhiều giá trị văn hóa độc đáo đã và đang là một di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Đắk Lắk.
Ban đầu, vào năm 1926, công sứ Paul Giran của Pháp đã cho xây dựng tòa nhà này để làm Tòa công sứ. Đến năm 1947, khi vua Bảo Đại về nước và nghỉ ngơi ở đây thì nó được đổi tên thành Biệt Điện Bảo Đại.
Từ năm 1955 đến 1975 thì nó trở thành nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Và đến năm 1976 thì được thiết kế lại thành bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.
Sau hơn 30 năm hoạt động, vào năm 2008, bảo tàng lại được tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng mới và khánh thành lần 2 vào năm 2011.
Đặc biệt, công trình này không chỉ là sản phẩm của sự hợp tác quốc tế giữa Cộng hòa Pháp với Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, mà còn là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày là Việt, Pháp, Anh và Êđê, vì vậy, nó luôn thu hút được rất nhiều lượt khách du lịch tới tham quan mỗi năm.
Những điểm thú vị của bảo tàng Đắk Lắk khiến du khách say mê
1. Kiến trúc độc đáo
Bảo tàng Đắk Lắk được thiết kế theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê tại Tây Nguyên, lại được sử dụng các chất liệu hiện đại như bê tông, kính và hợp kim, cùng các màu sắc tương phản như trắng, đen, nâu…làm cho không gian vừa sang trọng vừa cổ điển, cuốn hút lòng người ngay cả khi đứng từ xa.
Bên cạnh đó, công trình được xây dựng với chiều dài 130m, rộng 65m trên một mảnh đất 9.200 m2 và thuộc kiểu không gian mở, vì thế sẽ cho bạn một cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất trong quá trình đi dạo hay di chuyển quanh bảo tàng.
Hơn nữa, bảo tàng được ôm ấp bởi những thảm cỏ và rất nhiều cây cối xanh mướt, nên không hề có cảm giác “lạc tông” mà rất hòa hợp với không gian núi rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên.
Chính vì vậy, chẳng cần phải bước vào bên trong, chỉ lãng đãng dạo bước bên ngoài thôi là bạn đã có thể “chộp” được vô số góc chụp hình xịn sò và chất lừ rồi đấy.
2. Đa dạng các hiện vật quý giá
Được tích lũy kể từ năm 1977 cho đến nay, nên hiện tại số hiện vật mà bảo tàng dân tộc ở Đắk Lắk sưu tầm được đã lên tới hơn 10.000 sản phẩm, trong đó có trên 1.000 vật phẩm đặc trưng và quý giá nhất, qua sự lựa chọn và kiểm tra gắt gao đã được trưng bày thường xuyên trong không gian bảo tàng và được chia thành 3 khu vực chính là: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và Lịch sử.
Khu đa dạng sinh học
Với diện tích khoảng 350 m2, gồm hơn 200 hiện vật và các hình ảnh hấp dẫn, khu đa dạng sinh học tại trung tâm bảo tàng Đắk Lắk giúp chúng ta được lạc vào một không thu nhỏ của núi rừng Tây nguyên hùng vĩ, với hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú.
Tiêu biểu như: các loại rừng (thủy tùng, gỗ xưa, cầm lai, cẩm xe, thông lá dẹt, thông năm lá…), các loại thuốc dân gian, các cây công nghiệp (cà phê – vàng đen, cao su – vàng trắng, hồ tiêu…), thổ nhưỡng (đất đỏ bazan, đất sét, đất xám…), các động vật quý hiếm được ghi danh vào sách đỏ (báo, chồn bay, bò tót, gấu chó, nai cà tông, bò xám…) và các thắng cảnh đẹp (hồ Lắk, hồ Cư Mil, thác Dray Nur,…).
Chưa dừng lại ở đó, khi đến tham quan bảo tàng văn hóa Đắk Lắk, du khách còn được chứng kiến các món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo được chế tác từ các sản phẩm tự nhiên của rừng và các món đặc sản Tây Nguyên hấp dẫn, để mua về làm quà lưu niệm nữa đấy.
Khu văn hóa dân tộc
Đi từ khu giữa sang khu bên trái bảo tàng Đắk Lắk du khách sẽ như được bước từ những khu rừng bạt ngàn sang không gian văn hóa gần gũi, mộc mạc của các dân tộc trên dải đất hình chữ S, điển hình là của người Ê đê, Giarai và Mnông…
Và trong không gian 700 m2 với hơn 450 hiện vật như: gùi trong nông nghiệp, thuyền độc mộc, giỏ, lai, ghế dài, bếp lửa, đồ trang sức, trang phục truyền thống, thổ cẩm, cồng chiêng, chum rượu, đàn đá, cồng chiêng, tượng nhà mồ hay các sản phẩm thủ công tinh xảo…du khách sẽ có cái nhìn rõ ràng nhất về đời sống thường nhật cũng như các nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Thậm chí, bảo tàng còn chia thành các chủ đề rõ rệt theo từng không gian và cung cấp cả những bài viết lớn nhỏ, các dòng chú thích, các hình ảnh hay các cuốn phim, để thông tin được truyền tải tốt nhất tới công chúng nữa đấy.
Khu lịch sử
Được đặt ở khu vực bên phải của bảo tàng văn hóa dân tộc ở Đắk Lắk, không gian lịch sử với diện tích 700 m2, gồm hơn 400 hiện vật và các ảnh, tư liệu, phim ngắn,…cho ta được nhìn lại dòng chảy lịch sử huy hoàng của Đắk Lắk từ thời đồ đá cho đến nay.
Điển hình là hình ảnh ốc hóa thạch, trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng, chén đĩa cổ trong thời tiền sử, tiền và nhà đày Buôn Ma Thuột trong chiến dịch 1930 – 1945, súng và gường cách mạng trong chiến dịch 1945 – 1975, sa bàn trận đánh mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, hay máy đánh chữ, điện thoại, máy cưa, con dấu của các tư lệnh và cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia từ năm 1975 cho đến nay, cùng các đồ cùng cách mạng khác…
Thậm chí là các thước phim chân thực về các chiến dịch đẫm máu trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, khiến chúng ta – những người đang được sống trong thời bình phải thổn thức và biết ơn khôn nguôi.
3. Có sự đầu tư đến từng chi tiết
Dù được xây dựng từ khá sớm nhưng bảo tàng ở Đắk Lắk vẫn được trưng bày theo phương pháp hiện đại và tiên tiến nhất, với hệ thống thông tin được truyền tải đa dạng, chính xác và sống động.
Hơn nữa, nó không chỉ sử dụng chú thích bằng 3 thứ tiếng là Việt, Pháp, Anh để đáp ứng tốt nhu cầu của tất cả du khách trong và ngoài nước, mà còn đi tiên phong trong việc sử dụng tiếng Ê đê – ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin, qua đó, thể hiện được sự quan tâm và trân trọng đối với người dân tộc.
Ngoài ra, không gian trưng bày trong bảo tàng Đắk Lắk còn dành nguyên một phần lớn diện tích để cảnh báo về sự suy giảm nghiêm trọng của môi trường do tác động của con người và giáo dục, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ sự đa dạng sinh học. Đây là một điểm khá ấn tượng mà không phải bảo tàng nào cũng có đâu nhé.
Đặc biệt nhất là việc tái hiện 100% hình ảnh của bản gốc, không chỉ cho thấy sự tôn trọng với hiện vật gốc, tôn trọng người sáng tạo ra chúng, mà còn có thể dễ dàng quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới với bạn bè quốc tế.
Một số thông tin tại bảo tàng Đắk Lắk
Giờ mở cửa: 8 giờ đến 21 giờ từ thứ 3 đến chủ nhật (cả ngày lễ, Tết).
Giá vé vào cửa: 20.000 đồng với trẻ em và 30.000 đồng đối với người lớn.
Vé gửi xe: 5.000 đồng / xe.
Có thể nói, với việc đưa đến những giá trị lịch sử và văn hóa ý nghĩa, độc đáo, bảo tàng Đắk Lắk xứng đáng là một điểm du lịch mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần trong chuyến tham quan vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió của mình đấy nhé.
Thúy Quỳnh (Tổng hợp) – Luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet