Bảo vệ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 41 di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt; 17 di tích quốc gia; 22 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trực tiếp quản lý 05 di tích (02 di tích quốc gia đặc biệt và 03 di tích quốc gia).

Sở VHTT&DL đang tiến hành đánh giá lại thực trạng các di tích, tham mưu phân cấp quản lý di tích cho cấp huyện nhằm phát huy giá trị các di tích, đưa vào khai thác du lịch trong thời gian đến.

Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Gia Duẩn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xoay quanh nội dung này.

Biên tập viên: Thưa ông, sau khi được UBND tỉnh phân cấp trực tiếp quản lý các di tích, việc quản lý, trùng tu, tôn tạo, bảo quản và phục hồi giá trị các di tích nói trên được thực hiện ra sao?

Ông Đặng Gia Duẩn: Tại Quyết định số 3263/QĐ-UBND, ngày 23/11/2021 và Quyết định số 3484/QĐ-UBND, ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao quyền cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 05 di tích (02 di tích quốc gia đặc biệt và 03 di tích quốc gia).

Ông Đặng Gia Duẩn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh nói chung và các di tích đã được UBND tỉnh phân cấp cho Sở quản lý nói riêng đã được các Sở, ban, ngành, địa phương quan tâm phối hợp xây dựng kế hoạch và dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Việc thực hiện quản lý nhà nước về di tích đã tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Việc lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa được địa phương quan tâm, phổ biến sâu rộng đến các tổ chức, đoàn thể, chính trị – xã hội và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau, người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh tại địa phương, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Một số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được Nhà nước, tư nhân quan tâm đầu tư, khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích (thác Dray Sáp Thượng và thác Dray Nur; thác Drai Knao, hồ Lắk; Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao). Sở đã phối hợp với địa phương tổ chức cắm mốc giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đã được UBND tỉnh phân cấp quản lý; đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất tại di tích; số hóa bản đồ di tích; ưu tiên làm mới biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu về di tích phục vụ Nhân dân và khách tham quan.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được UBND tỉnh phân cấp, còn gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột: Khu vực khoanh vùng bảo vệ II hiện vẫn còn các hộ dân sinh sống và buôn bán.

Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao: Năm 1990, sau khi đình Lạc Giao được xếp hạng di tích quốc gia, khoanh vùng xác định các khu vực bảo vệ thì diện tích đất của các hộ dân đang sinh sống xung quanh Đình đều nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (huyện Buôn Đôn) Cơ sở hạ tầng giao thông từ huyện Buôn Đôn vào đến địa điểm Di tích khá xa xôi; Diện tích đất di tích thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của vườn Quốc gia Yok Don. Hơn nữa, Di tích còn nằm trong khu vực vành đai đường Biên giới Việt Nam – Campuchia do Đồn biên phòng Sêrêpôk (Đồn 743) thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Do đó, việc đưa du khách đến tham quan gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc chuyển đổi rừng và đất rừng, giao đất, giao rừng, lập quy hoạch…

Di tích lịch sử quốc gia Số 04 Nguyễn Du: Hiện tại Di tích đang tạm đóng cửa để thực hiện công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại theo Quyết định số 420/QĐ-SVHTTDL, ngày 05/7/2022 của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia Số 04 Nguyễn Du.

Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam Tiến hy sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột đã được trùng tu, tôn tạo, bảo quản và phát huy.

Sở đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột để triển khai, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo. Xem xét, sớm ban hành Quyết định đổi tên “Di tích lịch sử quốc gia Số 04 Nguyễn Du” thành “Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại”. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích đã được UBND tỉnh giao phân cấp quản lý.

Quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (huyện Buôn Đôn) nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND, ngày 30/5/2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Biên tập viên: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Xin ông cho biết, đến nay tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong đề án như thế nào?

Ông Đặng Gia Duẩn: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030 đặt mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 (Đề án 2615) tổ chức rà soát các loại hình di tích trên địa bàn tỉnh, những di tích không đủ điều kiện đưa ra khỏi danh mục, đồng thời đề nghị danh mục bổ sung di tích tiềm năng để có cơ sở lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích. Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 3 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh; Lập dự án bảo quản, tu bổ phục hồi để phát huy mạnh mẽ giá trị Biệt Điện Bảo Đại; Đầu tư trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình trong di tích quốc gia Nhà đày Buôn Ma Thuột tạo điểm nhấn sản phẩm du lịch. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc khoanh vùng khu vực di tích đạt khoảng 50%.

Đoàn khảo sát Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk huyện Krông Bông

Thực hiện Đề án 2615, đến nay Sở đã tham mưu Ban Chỉ đạo hành Kế hoạch số 87/KH-BCĐ ngày 30/7/2021 triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, Sở đã ban hành Kế hoạch số 2115/KH-SVHTTDL ngày 06/10/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021- 2025. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 21/01/2022 của UBND tỉnh về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đến năm 2025; đồng thời Sở đã ban hành Kế hoạch số 1018/KH-SVHTTDL, ngày 31/5/2022 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 17/KH-UBND của UBND tỉnh (tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hiện vật, hình ảnh để trưng bày, triển lãm, phục dựng trong các lao tại Nhà đày Buôn Ma Thuột).

Advertisement

Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND, ngày 30/5/2022 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện Quy chế 20, Sở đã làm việc với các địa phương, thống nhất đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định phân cấp đối với các di tích chưa được UBND tỉnh phân cấp, tiếp tục phân cấp, giao quyền cho địa phương trực tiếp quản lý, thời gian sẽ trình trước ngày 15/8/2022 (đạt 100% so với mục tiêu của Đề án). Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê, bổ sung các di tích tiềm năng đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Danh mục di tích tiềm năng để có cơ sở lập hồ khoa học di tích, trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa, qua rà sát, trên địa bàn tỉnh có trên 50 tích tiềm năng, theo Kế hoạch, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 11/2022. Phối hợp với các Sở ngành, địa phương lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng 6/12 di tích cấp tỉnh, đạt 50% (vượt so với Kế hoạch). Phối hợp với các Sở ngành, địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3/5 di tích quốc gia: Di tích CADA, Miếu thờ CADA, Biệt điện Bảo Đại. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Vườn quốc gia Yok Don và UBND huyện Buôn Đôn ban hành Quy chế phối trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt – Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (Bến phà Sêrêpốk), xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk (Quy chế số 668/QCPH-SVHTTDL-BCHBĐBP-VQGYĐ-UBNDBĐ ngày 13/4/2022).

Lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi 06 di tích (05 di tích lịch sử, văn hóa; 01 di tích danh lam và thắng cảnh, cụ thể: Đang thực hiện công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia Biệt Điện Bảo Đại, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng quy định hiện hành và ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm đi vào hoạt động, phục Nhân dân và khách tham quan. Đã hoàn thành Hồ sơ xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy -Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với di tích. Nhà số 57 (nay là số 71) Lý Thường Kiệt, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Trụ sở Ủy ban kháng chiến tỉnh Đắk Lắk, 1945, UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND thành phố BMT quản lý di tích; tiếp tục phối hợp với UBND thành phố xây dựng Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975), UBND huyện Krông Bông đang triển khai Dự án theo hình thức đầu tư công. Dự án Khu du lịch danh thắng Cụm thác Drai Nur, thác Dray Sáp Thượng do Công ty Đầu tư du lịch Đặng Lê đang tiếp tục thực hiện Dự án (xã hội hóa). Sở đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng Di tích văn hóa theo quy định của pháp luật về xây dựng và đầu tư công, đảm bảo quy hoạch xây dựng nông thôn và bảo tồn, phát triển giá trị Di tích lịch sử quốc gia Hang đá Đắk Tuôr theo đề án, quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hướng tham mưu là tiếp tục đầu tư hạng mục, cơ chế mời gọi đầu tư quần thể di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk; phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và các sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh phối hợp tổ chức khảo sát xác định tọa độ, diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ Khu căn cứ kháng chiến Čư Jŭ – Dliê Ya; Tổ chức hội thảo và lập Hồ sơ khoa học di tích, tổ chức Hội nghị thống nhất tên gọi và diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với tổ chức khảo sát thực trạng bảo vệ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 17/6-28/6/2022. Thông qua việc khảo sát, kiểm tra nhằm có sơ sở đánh giá khách quan về thực trạng di tích, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ, tôn tạo và tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải pháp phát huy giá trị lịch sử- văn hóa khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử di tích hiện nay./.

Xin cám ơn ông!

Advertisement

About admin

Check Also

Xe mô tô va chạm với xe bồn: Một người đàn ông tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh đã khiến …