Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chặn dòng hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Sáng 22/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ chặn dòng tích nước Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Tham dự có ông Y Biêr Niê- Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đại diện lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua và nhà thầu thi công công trình.

Lực lượng chức năng chặn dòng hồ chứa nước 4,4 nghìn tỷ đồng ở Đắk Lắk.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2009, nhưng do nguồn vốn khó khăn phải giãn hoãn tiến độ đến năm 2013 mới tái khởi động. Quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh do thay đổi chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm thay đôi tổng mức đầu tư lên 4,4 nghìn tỷ.

Quy mô, nhiệm vụ dự án không thay đổi so với ban đầu, gồm: Hợp phần hồ Krông Pách Thượng (hồ 123 triệu m3, 3 đập đất, 2 tràn xả lũ, 1 cống lấy nước và 52 km kênh) và Hợp phần hồ Ea Rớt (hồ 16,8 triệu m3, đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và 37 km kênh).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành riêng 1 khung chính sách cho Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, song việc di dời, bố trí nơi ở mới cho 810 hộ dân không phải điều dễ.

Thứ nhất, việc xác định nguồn gốc đất rất khó khăn do tình trạng di dân tự do. Thứ 2, việc bố trí khu tái định cư cần phù hợp để vận động người dân ra nơi ở mới.

Theo Bộ NN&PTNT, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều chỉ đạo, khi tái định cư phải đảm bảo nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ. Đối với Bộ NN&PTNT, khu tái định cư phải đồng bộ về hạ tầng, chỗ ở (điện, đường, trường, trạm…); khu vực tái định cư phải rộng, phù hợp quy hoạch, giao thông thuận tiện, đặc biệt đảm bảo đất sản xuất cho người dân.

“Chúng ta có bài học rất lớn trong lịch sử về việc bố trí tái định cư, khi chỉ xây nhà thậm chí xây giống nhau và không phù hợp với văn hóa của người dân. Còn đối với dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 2 khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng đồng bộ, có đất ở và đất sản xuất để người dân tự làm nhà theo nhu cầu cũng như có đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk mới có thể chặn dòng ngày hôm nay”, thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Advertisement

Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho hay, đến nay nguồn nước tưới thủy lợi mới đáp ứng được 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, thấp nhất trong vùng Tây Nguyên. Xác định Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là công trình trọng điểm, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các ban ngành trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án. Đây là 1 trong 3 công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần rất lớn cho phát triển KT&XH địa phương.

Mục tiêu dự án cấp nước tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt 73.000 người; cắt, phòng lũ cho hạ du; nuôi trồng thủy sản; tạo cảnh quan góp phần cải thiện môi trường, khí hậu vùng dự án, phục vụ phát triển KT&XH và an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.

Dự án do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cụm công trình Hồ chứa Ea Rớt và đang phát huy tốt hiệu quả tưới cho 2.150 ha.

Hôm nay, chặn dòng cụm công trình Hồ chứa nước Krông Pách Thượng là bước cuối cùng để hoàn thiện toàn bộ hạng mục của giai đoạn 1 trong năm 2023.

Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 của dự án, với tổng kinh phí 1.120 tỷ đồng để hoàn thiện toàn bộ hệ thống kênh trong năm 2025.

Advertisement

About admin

Check Also

Đâm chết bạn cùng phòng trong cơ sở cai nghiện

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh tạm giữ đối tượng Nguyễn …