Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025 trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo hội nghị, đánh giá cao thành tựu năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cụ thể cho ngành Tư pháp.
Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025
Sáng 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Các lãnh đạo bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Trong năm 2024, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm; thẩm định 33 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 176 dự án, dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo; các địa phương đã thẩm định 365 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 8.058 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 621.000 việc được thi hành xong, thu được hơn 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 việc và tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023). Việc theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả hơn. Các cơ quan đã thi hành xong 896 bản án, quyết định hành chính (tăng 314 so với năm 2023). Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đến nay đã số hóa hơn 3 triệu sổ với 95,8 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hơn 79,3 triệu dữ liệu và được kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành Tư pháp trong năm 2024. Triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp cần tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả các lĩnh vực công tác, nhất là trong xây dựng và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info