Tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với Bộ, ngành hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, thẩm định dự án Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để trình Quốc hội. Chính quyền và doanh nghiệp kỳ vọng tuyến cao tốc này sẽ tạo động lực để tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên trong phát triển kinh tế – xã hội…
“Chìa khóa” cho phát triển kinh tế
Theo báo cáo tiền khả thi của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117 km. Điểm đầu dự án tại cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Bộ Giao thông vận tải dự kiến đầu tư theo quy mô phân kỳ là khoảng 21.935 tỷ đồng và chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng, do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản thực hiện.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 – Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng, do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thực hiện.
Dự án thành phần 3 (Km69+500 – Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản thực hiện.
Nút giao cuối tuyến Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột
Báo cáo đánh giá UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ.
Khi đưa vào vận hành, tác động đến phát triển kinh tế của các địa phương và vùng hấp dẫn tăng khoảng 0,9% ÷ 2,1%, trung bình 1,5%. Đối với du lịch sẽ rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách và giúp phát triển liên kết vượt bậc kết nối “rừng” với “biển”.
Đây còn là tuyến vận chuyển nông sản của vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa). Vì vậy, việc xây dựng tuyến đường cao tốc sẽ đáp ứng việc kết nối, phát triển mạnh hơn nữa kinh tế Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Phát biểu tại buổi thẩm định dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước nhấn mạnh, Dự án này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ nói chung.
“Dự án đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên kết nối với các tỉnh miền Trung còn thiếu và yếu, dẫn đến việc kết nối, vận tải hành khách, hàng hóa gặp nhiều khó khăn” – Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Động lực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư
Ông Phạm Đông Thanh – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ô tô An Phước – nhận định rằng: “Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ là con đường ngắn nhất nối vùng cao nguyên đến cảng biển. Tây Nguyên là vùng nguyên liệu, chủ yếu sản xuất các loại cây công nghiệp dành cho xuất khẩu. Còn riêng cảng nước sâu Vân Phong (Khánh Hòa) thời gian qua được đầu tư mạnh mẽ, từ đó các doanh nghiệp sẽ có lợi thế về việc giảm tải chi phí logistic. Thời gian phương tiện di chuyển từ vùng nguyên liệu đến nơi đóng hàng xuất khẩu sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Tuyến cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột sẽ kết nối trung tâm TP. Buôn Ma Thuột -Ảnh : Hoàng Gia
Ngoài ra, việc phát triển du lịch các địa phương cũng sẽ có bước chuyển mình. Vì hiện nay, từ TP.Buôn Ma Thuột di chuyển về TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phải mất khoảng 3 đến 4 tiếng. Nếu cao tốc hoàn thiện người dân giảm tải được một nửa thời gian, đi du lịch thuận tiện hơn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk: Xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa là chủ trương hết sức đúng đắn của Nhà nước. Toàn bộ hàng nông sản cà phê, hồ tiêu của đơn vị đang phụ thuộc vào cảng biển ở TP.HCM (tuyến đường dài hơn 400km) để chuyển đi xuất khẩu. Khi cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa) được nâng cấp lên cảng quốc tế và tuyến cao tốc hoàn thành sẽ giúp phí vận chuyển của đơn vị giảm tải một khoản rất lớn. Hiện tại, đôi lúc nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp tập kết ở cảng TP.HCM bị tắc nghẽn do quá nhiều lượng hàng ở các địa phương khác tập kết về. Chính vì lẽ đó, nếu có cao tốc, công ty sẽ tiết giảm được thời gian vận chuyển hàng cho đối tác đi rất nhiều.
Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng Hồ Anh Tuân cho rằng, chủ trương đầu tư tuyến Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp nội địa. Dấu hiệu chỉ báo là thị trường bất động sản nơi có tuyến đường đi qua đã có nhiều biến động, nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh sẵn sàng rót vốn để đón đầu cơ hội mới. Dự báo công tác thu hút đầu tư sẽ có nhiều điểm sáng khi tuyến đường này triển khai trong thời gian đến.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 thì tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được xác định xây dựng giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo số 63/TB-VPVP ngày 2/3/2022 đồng ý bố trí vốn nguyên tắc trung ương 50%, ngân sách địa phương 50% để xây dựng cao tốc. Yêu cầu phân cấp tối đa cho các địa phương theo tinh tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ GTVT cùng với địa phương thống nhất dự án thành phần đảm bảo thuận lợi tổ chức thực hiện, không để chậm tiến độ. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mỗi địa phương phải quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu xây dựng 5000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030 đã được Đại hội XIII thông qua. |