Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường gia vị Châu Âu

Ngày 09/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp & PTNT, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, và Hiệp hội Gia vị Châu Âu tổ chức Hội nghị “Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường gia vị châu Âu”.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị là một hoạt động bên lề trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu Việt Nam VIPO 2022 và Chương trình hành động Nhóm đối tác công tư ngành hàng hồ tiêu (PPP Taskforce) với sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, thời gian thực hiện từ năm 2021-2023 tại 3 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EU); đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp & PTNT; Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA); Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA); Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH); Sở NN & PTNT các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai; lãnh đạo các địa phương; các tổ chức quốc tế và trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước và quốc tế sản xuất và thương mại hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.

Chuyên gia chia sẻ thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường gia vị Châu Âu

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đại diện Nhóm Đối tác công tư ngành hàng hồ tiêu, chia sẻ: “Trước những xu hướng và đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường toàn cầu, ngành hàng hồ tiêu Việt Nam cần có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược để từng bước chuyến đổi theo xu hướng sản xuất bền vững theo hướng sinh thái. Theo đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng hành của khối công, khối tư và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển hồ tiêu bền vững trong bối cảnh mới, tăng cường thực hành sản xuất và canh tác hồ tiêu bền vững, đảm bảo trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao giá trị hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.”.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức IDH cho ý kiến: “Trong bối cảnh quốc tế mới, thì xu hướng về các đòi hỏi của thị trường đối với hồ tiêu Việt Nam có thể có những cập nhật thay đổi, đặc biệt chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường và xã hội. Việt Nam cần có cơ chế nắm bắt kịp thời những xu hướng mới của thị trường và có những có những định hướng chiến lược phù hợp nhằm phản ứng kịp thời với đòi hỏi mới này. IDH thay mặt tổ hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu đã, đang và sẽ tiếp tục kết nối và duy trì kênh liên lạc thường xuyên với Hiệp hội gia vị châu Âu, Hiệp hội gia vị Mỹ để cập nhật kịp thời thông tin mới của thị trường, đồng thời tăng cường huy động và tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để xây dựng và thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.”.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới, và chiếm khoảng 45% hồ tiêu nhập vào châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.

Theo EVFTA, hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thì vẫn còn một số thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là đáp ứng được các đòi hòi khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Advertisement

EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu được cập nhật những yêu cầu và xu hướng mới nhất của thị trường gia vị toàn cầu và Châu Âu; một số cảnh báo từ thị trường về ngưỡng hóa chất trong sản phẩm hồ tiêu; chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang thị trường Châu Âu; đồng thời thảo luận các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm Hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh và xu hướng mới.

Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, thời gian thực hiện từ năm 2021-2023 tại 3 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình ARISE Plus do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, trong đó tập trung vào việc thực hiện EVFTA; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU. Mục tiêu của Dự án là cải thiện đời sống của 10.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững.

Dự án do tổ chức IDH Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu đồng tổ chức thực hiện. Dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan chính trong ngành Hồ tiêu vào các hoạt động của dự án như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân; đồng thời các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững cùng với nỗ lực quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm của các cơ quan quản lý sẽ góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt chuẩn thị trường yêu cầu và bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân trồng hồ tiêu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững.

Advertisement

About admin

Check Also

“Giảm nghèo” kiến thức pháp luật cho người dân buôn đặc biệt khó khăn

Chính quyền xã Ea Kuêh đã thành công trong việc tuyên truyền phổ biến giáo …