Công bố Chỉ số CCHC năm 2021: Đắk Lắk tăng 9 bậc, xếp vị thứ 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 25/5, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2021.

Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của các bộ, ngành, các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ, PAR Index năm 2021 của các tỉnh, thành phố phân thành 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên có 3 tỉnh, thành phố; Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% – dưới 90% có 59 tỉnh, thành phố; Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% – dưới 80% có 1 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, PAR Index 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,37%, cao hơn 2,65% so với năm 2020 và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục mức độ 3,4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính Công tỉnh Đắk Lắk

Có 40/63 đơn vị đạt kết quả PAR Index cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả PAR Index trên 80%. Khoảng cách chênh lệch kết quả PAR Index giữa các đơn vị cao nhất và thấp nhất liên tục duy trì xu hướng giảm trong 5 năm gần đây, năm 2021, khoảng cách này 11,83% (giảm 5,96% so với năm 2020).

Đối với khối các Bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp dẫn đầu PAR Index 2021 với 91.90 điểm; đứng vị trí cuối cùng là Bộ Khoa học và Công nghệ với 78.72 điểm.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2021, những nỗ lực CCHC của Chính phủ và các ngành, các cấp để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực; các khó khăn và thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn lực đã được kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ và giải quyết, nhất là những vấn đề cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19; củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng tích cực nghiên cứu, có giải pháp đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và đặc biệt là cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu, đánh giá và áp dụng, nhân rộng mô hình, sáng kiến hay về CCHC.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền CCHC ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực, truyền tải kịp thời, nhanh chóng. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về CCHC có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả và phù hợp với tình hình mới.

VềKết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk đạt 86,52 điểm, xếp vị thứ 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 3,3 điểm, cải thiện 9 bậc so với năm 2020, đứng thứ 2/5 so với các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng: 29; Đắk Nông: 41, Gia Lai: 42; Kon Tum: 59). Đối với Chỉ số SIPAS 2021 xếp vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Một số tiêu chí cải thiện của tỉnh gồm: Chỉ đạo điều hành CCHC cải thiện 1 bậc so với năm 2020; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL cải thiện 15 bậc so với năm 2020); Cải cách thủ tục hành chính cải thiện 33 bậc so với năm 2020; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính cải thiện 32 bậc so với năm 2020; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC cải thiện 31 bậc so với năm 2020.

Các tiêu chí không cải thiện với năm 2020 gồm: Cải cách tài chính công, Hiện đại hóa hành chính; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế – xã hội.

Advertisement

About admin

Check Also

Va chạm giao thông trên Quốc lộ 27: Hai người tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 27 khiến hai người …