Công bố Quyết định và thông qua Kế hoạch giám sát việc thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị

Ngày 13/10, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị công bố Quyết định và thông qua Kế hoạch giám sát việc thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Đoàn giám sát; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các thành viên Đoàn giám sát cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Đoàn giám sát đã công bố Quyết định số 706-QĐ/BKTTW, ngày 22/9/2023 của Ban Kinh tế Trung ương về việc thành lập Đoàn giám sát và thông qua Kế hoạch giám sát việc thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mốc thời gian giám sát từ ngày 16/12/2019 đến tháng 6/2023 với các nội dung gồm: việc lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 67-KL/TW tại Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thành ủy Buôn Ma Thuột; việc ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án, dự án để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 67-KL/TW tại Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thành ủy Buôn Ma Thuột; kết quả triển khai Kết luận số 67-KL/TW đến tháng 6/2023.

Đồng chí Phạm Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Phó Trưởng Đoàn giám sát công bố Quyết định và Kế hoạch giám sát.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, Kết luận số 67-KL/TW là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội TP. Buôn Ma Thuột trước mắt và lâu dài. Nhằm góp phần đưa Kết luận số 67-KL/TW đi vào cuộc sống, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Để công tác giám sát đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra, khách quan, khoa học, phản ánh đúng tình hình thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk và Thành ủy Buôn Ma Thuột chỉ đạo các tổ chức đảng liên quan bám sát Kế hoạch giám sát để chủ động lập Báo cáo giám sát theo đề cương của Đoàn; sắp xếp thời gian, bố trí cán bộ làm việc theo lịch đã thống nhất; cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu của Đoàn; đề xuất, kiến nghị với Đoàn các giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận trong thời gian tới.

Advertisement

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, tình hình kinh tế – xã hội của TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục phát triển; tốc độ tăng trưởng đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đạt kế hoạch đề ra; thu ngân sách Nhà nước năm 2022 của thành phố tăng 33,07% so với dự toán thành phố giao và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước; một số công trình trọng điểm đã được triển khai thực hiện đầu tư và phát huy hiệu quả; các mô hình sản xuất, thành phần kinh tế đã mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hoạt động ngày càng có hiệu quả; nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đã được triển khai.

Văn hóa, xã hội của thành phố có nhiều chuyển biến mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đã tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù, tạo bước đột phá trong tăng trưởng, bảo đảm tính lan tỏa nhằm xây dựng TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Advertisement

About admin

Check Also

TP. Buôn Ma Thuột: Gần 21% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên

Năm 2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông tại TP. Buôn Ma Thuột …