Đặc sắc chương trình trải nghiệm “Nghệ thuật Xòe Thái” dịp lễ Quốc khánh 2/9

Trong 2 ngày 2-3/9, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức chương trình trải nghiệm “Nghệ thuật Xòe Thái” – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Noọng ơi” phục vụ người dân và du khách dịp Lễ Quốc khánh.

Nghệ nhân biểu diễn múa xòe của dân tộc Thái

Đến với chương trình, du khách đã được được các nghệ nhân người Thái xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk giới thiệu, hướng dẫn cách thức thêu và đội khăn Piêu; trình diễn các điệu múa Xòe, nhảy sạp; tham quan, mua sắm và dùng thử một số món ăn đặc trưng của người Thái của cơ sở đặc sản Thái Ban Mê Foods (Thôn 1, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Nghệ nhân hướng dẫn du khách đội chiếc khăn Piêu

Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái, được hướng dẫn cách thêu và đội khăn Piêu; thưởng thức ẩm thực và đặc sản Thái, giao lưu nhảy các điệu múa Xòe, nhảy sạp…

Du khách tìm hiểu thưởng thức ẩm thực và đặc sản Thái

Đồng hành cùng chương trình, chị Lù Thị Hạnh – Cơ sở đặc sản Thái Ban Mê Foods phấn khởi cho biết: tôi và các chị em hội viên phụ nữ xã Hòa Phú rất vui khi được đồng hành cùng chương trình ý nghĩa này. Đây là dịp chúng tôi được hòa mình cùng với du khách giới thiệu món ăn đặc trưng của Người dân tộc Thái và hoạt động văn hóa đặc sắc đến với du khách, tôi và mọi người cùng múa xòe xua tan những mệt nhọc, thấy yêu lao động và yêu cuộc sống hơn.

Giới thiệu văn hóa, trang phục của Người dân tộc Thái

Du khách tham gia nhảy sạp cùng với các nghệ nhân người Thái

Chị Nguyễn Thị Mai- Du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dịp lễ này gia đình tôi đi thăm một số nơi tại thành phố Buôn Ma Thuột và ghé thăm Bảo tàng Đắk Lắk được tham gia nhảy sạp cùng với các nghệ nhân người Thái; trải nghiệm thực tế quấn chiếc khăn Piêu và thưởng thức món ăn đặc sản nơi đây. Chuyến đi rất thú vị và ý nghĩa.

“Nghệ thuật Xòe Thái” gắn liền với dân tộc Thái sinh sống ở 4 tỉnh Tây Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái. Có 03 loại Xòe chính gồm: Xòe nghi lễ; xòe vòng; xòe biểu diễn. Nhạc cụ đi kèm gồm trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, tính tẩu, quả nhạc, kèn, chũm chọe. Hiện nay, Xòe Thái có hơn 30 điệu xòe, bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ (06 điệu cơ bản): Nâng khăn mời rượu; Bổ bốn; Tiến lùi; Tung khăn; Vòng tròn vỗ tay; Nắm tay. Xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ, được gọi theo tên đạo cụ như: Xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa…

Advertisement

Xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ, được gọi theo tên đạo cụ như: Xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa…

Cùng với chiếc khăn Piêu đẹp quyến rũ, người Thái còn có những điệu Xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, làm say đắm lòng người. Những điệu Xòe ấy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ Thái, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Thái trong mọi sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng (Lễ hội, liên hoan văn nghệ, kết bạn, giao lưu, tâm linh)

Vừa qua, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 15/12/2021.

Advertisement

About admin

Check Also

Tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ, đường thủy cho giáo viên, học sinh tại TP. Buôn Ma Thuột

Sáng 6/5, buổi tuyên truyền về an toàn giao thông được tổ chức tại Trung …