Đắk Lắk bàn giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo

Sáng 26/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Eakar và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nông sản Thiên Anh phối hợp tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo Đắk Lắk.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Y Nhuân Byă – Bí thư Huyện ủy Eakar, UBND các huyện; chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học; đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá toàn cảnh thực trạng lúa gạo trên Tây Nguyên; giải pháp đưa lúa gạo trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn; Cách thức xây dựng các vùng trồng giá trị cao cho lúa gạo Đắk Lắk; Thực tiễn, kinh nghiệm, giải pháp đề xuất phát triển thị trường cho lúa gạo Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên…

Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đề xuất phát triển thị trường cho lúa gạo Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên…

Theo số liệu thống kê năm 2021 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, diện tích lúa nước toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 246,93 ngàn ha chiếm 3,4 % diện tích của cả nước, năng suất trung bình toàn vùng đạt 57,79 tạ/ha, thấp hơn năng suất trung bình của cả nước 2,81 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 1.427.02 triệu tấn chiếm 0,32% so với sản lượng cả nước.

Các đơn vị ký kết hỗ trợ thiết lập vùng trồng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ

Nhận định của các chuyên gia, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Tây Nguyên diện tích còn manh mún, sản xuất quy mô nhỏ; hình thức tổ chức liên kết nông dân chưa phát triển ổn định; Chuỗi giá trị lúa gạo còn quá rời rạc, phân tán, thiếu liên kết dọc chặt chẽ. Vì vậy, để trở thành vùng sản xuất hàng và nâng cao giá trị lúa gạo, đòi hỏi vùng Tây Nguyên cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiêp; phát triển thương hiệu, sản phẩm có chứng nhận; hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Về giải pháp nâng cao giá trị cho lúa gạo trong toàn vùng, các chuyên gia khuyến nghị, Tây Nguyên cần hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thu theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với các hợp tác xã kiểu mới để mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. Hỗ trợ các HTX Nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất và có chứng nhận chất lượng hoặc các chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường, thương hiệu công bằng.

Mô hình máy bay phun thuốc không người lái phục vụ sản xuất nông nghiêp trưng bày tại Hội thảo

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần phát triển thương hiệu chung của cả vùng, sử dụng thương hiệu trong việc quản lý diện tích, chất lượng sản phẩm và bảo vệ doanh nghiệp. Các cơ sở thu mua và chế biến lúa gạo phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, các quy trình để đảm bảo chất lượng, tránh việc tranh mua, tranh bán lúa gạo.

Về lâu dài, các tỉnh Tây Nguyên cần nghiên cứu xây dựng các cụm chế biến gắn với các vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, với hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu đa dạng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm gạo…

Sản phẩm Gạo ST25 trồng tại huyện EaKar trưng bày tại hội thảo

Theo đánh giá Sở NN&PTNT Đắk Lắk, với diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng 34,95% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha đứng đầu khu vực và đứng thứ 2 so với cả nước (sau Phú Yên 71,1 tạ/ha); cao hơn 8,4 tạ/ha so với năng suất bình quân cả nước (năng suất lúa bình quân cả nước là 58,7 tạ/ha).

Hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận như: Đài thơm số 8, RVT, ST 24, ST 25, OM4900, HT1, OM5451… là những giống có chất lượng gạo thơm ngon, xuất khẩu, năng suất bình quân đạt từ 7-8 tấn/ha.

Advertisement

Định hướng phát triển về cây lúa của tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh sẽ xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Ea Kar…

Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 04 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao ở một số địa phương trong tỉnh. Đầu tư cho công tác khảo nghiệm, sản xuất thử để xác định thêm các giống mới có triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng.

Tại Hội thảo, Sở NN&PTNT, UBND huyện Ea Kar, Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nông sản Thiên Anh đã ký kết hỗ trợ thiết lập vùng trồng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện Ea Kar.

Huyện Eakar là địa phương có diện tích sản xuất lúa nước đứng đầu của tỉnh Đắk Lắk, Năm 2021, diện tích sản xuất lúa nước toàn huyện đạt 13.390 ha; năng suất bình quân cả năm đạt 7,1 tấn/ha; sản lượng thóc đạt 95.069 tấn. Các vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại các xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Kmút, Ea Pal, Cư Bông, Cư Yang, Cư Elang.

Năm 2021, toàn huyện đã có khoảng trên 4.000 ha gieo trồng bằng các giống lúa ST 24 và ST 25; sản phẩm lúa ST 24 và ST 25 có thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán sản phẩm cao hơn từ 2.000 – 2.500 đ/kg so với các giống lúa khác tại địa phương. Đã góp phần nâng cao thu nhập của người sản xuất.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 03 doanh nghiệp nhà nước và 02 Hợp tác xã Nông nghiệp (Công ty TNHH MTV Cà phê 716, 720, 721, Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Lợi và Hợp tác xã Nông nghiệp 714) trực tiếp quản lý và tổ chức sản xuất lúa nước trên diện tích 1.700 ha.

Advertisement

About admin

Check Also

Gần 45% vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ

Ban An toàn giao thông tỉnh thông báo về tình hình tai nạn giao thông …