Sáng 10/2, tại Hà Nội đã diễn ra Họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 Nguyễn Tuấn Hà.
Tham dự Họp báo có đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hữu quan của tỉnh Đắk Lắk và thành phố Hà Nội, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, các nhà tài trợ cùng …. cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh Họp báo Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Phát biểu tại Họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Lễ hội Cà phê được tổ chức định kỳ hai năm một lần nhằm tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đắk Lắk; quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định mạnh mẽ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại họp báo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, để chuẩn bị cho Lễ hội, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu về Lễ hội với phương châm “Mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là một đại sứ truyền thông”. Tại Lễ hội lần này, Ban Tổ chức Lễ hội tiếp tục mời Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê làm đại sứ truyền thông của Lễ hội và đặc biệt mời đội ngũ những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội tham gia truyền thông trên Internet của Lễ hội, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk – nơi được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Đồng chí rất mong các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm trong công tác truyền thông của Lễ hội để ủng hộ cho tỉnh Đắk Lắk, đồng thời, để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân trong và ngoài nước biết nhiều hơn nữa về tỉnh Đắk Lắk nói chung và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê – Đại sứ truyền thông của Lễ hội trả lời câu hỏi của phóng viên.
Qua 7 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi tại họp báo.
Nhiều câu hỏi của các phóng viên quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư và kết nối quảng bá du lịch văn hóa tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14/3/2023 tại TP. Buôn Ma Thuột với 6 nhóm, 18 hoạt động chính thức. Trong đó, Lễ Khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 10/3/2023 và Lễ Bế mạc diễn ra lúc 20 giờ ngày 14/3/2023 tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột). Lễ hội lần này có quy mô lớn hơn so với những lần trước và có hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.
Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 có một số điểm khác so với Lễ hội cà phê lần thứ 7 năm 2019. Đó là Lễ Khai mạc (được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV5) với Chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến cà phê thế giới” – thông điệp thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới để khẳng định và nâng tầm vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột, lan toả, giới thiệu văn hoá cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè quốc tế.
Hội thi Nhà nông đua tài với Chủ đề Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Lễ hội lần này có điểm mới là Vòng lựa chọn – vòng casting “Đường đến Hội thi nhà nông đua tài” diễn ra tại 8 tỉnh có đội thi tham gia (Sơn la, Quảng Trị, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) cho thấy sức lan tỏa của Lễ hội đến với các tỉnh cũng như là sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau trong công tác tổ chức. Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê gồm 400 gian hàng với sự tham gia của 150 doanh nghiệp (trong đó có 10 doanh nghiệp cà phê của nước ngoài và có yếu tố nước ngoài) tham gia và tập trung vào khâu chế biến.
Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản (từ ngày 10/3-13/3/2023) là một trong những hoạt động điểm nhấn của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; tạo động lực cho người pha chế cà phê không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo, là nơi hội tụ những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra không gian kết nối có sức thu hút đối với cộng đồng cà phê. Giới thiệu, quảng bá, phát triển ngành cà phê đặc sản Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam.
Nhiều khách mời được trải nghiệm cách pha chế cà phê, và thưởng thức cà phê tại buổi họp báo.
Hoạt động hưởng ứng cà phê miễn phí của các địa phương trong ngày 10/3/2023 là hoạt động mang tính cộng đồng, được toàn dân và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, quán cà phê trên địa bàn tỉnh hưởng ứng nhiệt tình thông qua việc đăng ký 1 ngày mời uống cà phê miễn phí để người dân và du khách được thưởng thức cà phê chất lượng của Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, Lễ hội lần này còn có biểu diễn Ca kịch “khát vọng Đam San” trình diễn văn hóa của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, phục dựng, bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa, góp phần kích cầu hoạt động du lịch; Lễ hội Ánh sáng “Thế giới cà phê – Bừng sáng Ban Mê” sử dụng hiệu ứng, công nghệ ánh sáng hiện đại, rực rỡ, đầy màu sắc, âm nhạc rộn ràng, tươi vui với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc trong nước và quốc tế; không gian giao lưu cộng đồng, người dân tham gia tự do và hòa mình vào không khí Lễ hội; Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc tại 2 huyện Buôn Đôn và Lắk với nhiều nét văn hóa đặc sắc, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến tham dự…
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan đến Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần tứ 8 năm 2023 đã được Ban tổ chức giải đáp.
Dự kiến cuộc Họp báo lần thứ 3 về Lễ hội sẽ diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 17/2/2023. Ban Tổ chức cũng trao giải Cuộc thi vidoe Clip về Chuyện kể cà phê Buôn Ma Thuột.
Khoảng 50 nghìn lượt khách tham dự Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ được tổ chức từ ngày 10-14/3/2023 tại TP.Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh. Theo ông Hà, tại lễ hội cà phê 7 diễn ra năm 2019, đã có khoảng 50.000 khách tới Buôn Ma Thuột. Năm nay, lượng khách dự kiến tham dự từ 46.000-50.000 người. “Lễ hội khai mạc vào 20h ngày 10/3/2023. Chúng tôi mời du khách đến lễ hội, không chỉ thưởng thức ly cà phê Ban Mê, mà còn du lịch trải nghiệm, tham gia tìm hiểu qua trình chế tác cây cà phê. Từ chiếc gạt tàn thuốc lá, bộ cồng chiêng, tới những chú voi thân thiện được làm từ thân, rễ cây cà phê đã già cỗi”, ông Hà nói. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk về lộ trình dừng dịch vụ cưỡi voi trong hoạt động kinh doanh du lịch để bảo tồn đàn voi nhà trên địa bàn, chuyển dần sang mô hình du lịch voi thân thiện, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk quyết định dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (địa chỉ tại buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) từ ngày 10/2/2023”, ông Hà chia sẻ. |