Đắk Lắk phấn đấu có 1.670 doanh nghiệp thành lập mới năm 2023

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk xác định chỉ tiêu có 1.670 doanh nghiệp và 60 Hợp tác xã thành lập mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk)

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 12.075 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 11.100 doanh nghiệp tại tỉnh và 975 chi nhánh doanh nghiệp tỉnh ngoài.

Báo cáo thống kê UBND tỉnh trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 20.100 tỷ đồng, tăng hơn 42,7% so với năm 2021. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động tăng mạnh do UBND tỉnh và các ngành đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, nên toàn tỉnh có 152 doanh nghiệp giải thể và 623 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023 như: Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, có giải pháp phù hợp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đưa vốn vào nền kinh tế, đóng góp chung cho tăng trưởng.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ, doanh nghiệp, HTX để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân thăm quan gian hàng doanh nghiệp của Đắk Lắk giới thiệu Sô cô la hoà tan MISS EDE tại Thái Lan

Advertisement

Về phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, đảm bảo đúng định hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực , cùng với khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành dịch vụ.

Tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số… và ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng lấy thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từng bước xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.

Advertisement

About admin

Check Also

Tổ chức cưỡng chế vườn cà phê người nhận khoán vi phạm hợp đồng tại Công ty Cà phê 719

Ngày 26/12/2024, cưỡng chế chuyển giao đất và tài sản cho Cà phê Việt Nam …