Chiều 16/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu các tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa hai tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn 2 tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đắk Lắk cũng là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần.
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Huỳnh Cao Nhất giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2023
Cùng với đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ… Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch.
Những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà-phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… Bình quân mỗi năm tỉnh Đắk Lắk đón trên dưới 1 triệu du khách, trong đó có khoảng 10% du khách quốc tế.
Doanh nghiệp tham gia ý kiến tại hội nghị
Về định hướng đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà-phê của thế giới”…
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Huỳnh Cao Nhất cho biết, trong năm 2023 này, tỉnh Bình Định tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động du lịch, văn hoá đặc sắc, như: Lễ hội Du lịch Bình Định 2023 với chủ đề “Quy Nhơn – Thiên đường biển”; Lễ hội Chùa Bà Nước Mặn (Đô thị Nước Mặn); Lễ hội Khinh khí cầu năm 2023; Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhon 2023; Liên hoan ẩm thực Bình Định…
Sở Du lịch tỉnh Bình Định tặng quà lưu niệm cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk
Với các hoạt động này, ngành Du lịch tỉnh Bình Định hy vọng sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở Đắk Lắk tham gia và thu hút được lượng lớn du khách ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đến với Bình Định.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, dịch vụ hai tỉnh gặp gỡ kết nối tại hội nghị
Thông qua hội nghị này ngành du lịch hai tỉnh sẽ tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng của Đắk Lắk, Tây Nguyên và Bình Định đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu du lịch sau đại dịch của du khách. Đồng thời, ngành du lịch hai tỉnh sẽ tiếp tục liên kết đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát huy hiệu quả liên kết du lịch; kết nối truyền thông quảng bá dịch vụ, điểm đến, thống nhất chính sách giá, xây dựng nội dung hợp tác trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò của hiệp hội du lịch…
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thảo luận đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy khả năng kết nối, khai thác du lịch giữa các doanh nghiệp và địa phương, giữa Đắk Lắk và Bình Định nói riêng, giữa khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung, góp phần tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng.