Đắm tình nơi sông Ba gặp biển

Sông Đà Rằng, với lịch sử và vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng Nam Trung Bộ, là điểm nhấn hấp dẫn của Tuy Hòa – Phú Yên. Núi Nhạn, tháp Nhạn cùng với dòng sông tạo nên bức tranh tuyệt đẹp, thu hút du khách khắp nơi.


Sông Đà Rằng – Vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng Nam Trung Bộ

Sông Ba từ Tây Nguyên chảy xuống Phú Yên thì được đổi tên là sông Đà Rằng, với biết bao kỳ vĩ, lắng đọng của trời nước một vùng Nam Trung Bộ. Nơi sông này giáp biển là TP. Tuy Hòa với biểu tượng núi Nhạn – sông Đà Rằng (thường gọi “núi Nhạn – sông Đà”).

Ngọn gió thùy dương

Hơn 30 năm trước, khi cầm đơn xin việc về Tuy Hòa, tôi hết sức bất ngờ với những đợt gió ào ạt tung hê khi xe qua cầu Đà Rằng. Đang mùa khô, lòng sông Đà Rằng nổi lên nhưng doi cát xanh ngát bắp, khoai, rau, đậu… và cả những chú bò vàng thung thăng gặm cỏ trong những đợt gió nam cồ. Sau này tìm hiểu, tôi thú vị vô cùng với những dòng tả gió Tuy Hòa của nhà văn Duyên Anh trong bút ký ghi lại chuyến đi Tuy Hòa năm 1972: “Xe qua cầu Đà Rằng, cây cầu dài thứ nhì của Việt Nam sau cầu Long Biên. Gió thổi khốc liệt. Không tiểu tư sản tí nào. Gió nam đấy. Nó bớt tàn nhẫn hơn gió Lào tuy cùng một xuất xứ. Có lẽ, nó đi xa, nó băng nhiều núi, nó “hiểu đời” khá nhiều thành thử nó “độ lượng” đôi chút chăng?”.

Núi Nhạn bên sông Đà Rằng giữa lòng TP. Tuy Hòa.

Trước đó, năm 1946, thi sĩ Trần Mai Ninh rao riết: “Ơ cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trẻ lại lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng” (Nhớ máu). Tuy Hòa lúc nào cũng gió, thế nhưng tôi vẫn nhớ nhất với “gió reo” trên sông Đà Rằng khi lần đầu về Tuy Hòa. Lúc ấy, bắc qua hạ lưu Đà Rằng chỉ mỗi một cây cầu này, giờ gọi là cầu Đà Rằng cũ. Đến nay, ở Phú Yên đã có mấy cây cầu bắc qua sông Đà Rằng như cầu Hùng Vương, cầu Đà Rằng mới (tuyến tránh Quốc lộ 1A), cầu Dinh Ông…

Sông Đà Rằng là tên gọi của hạ lưu sông Ba khi từ Tây Nguyên chảy qua địa phận tỉnh Phú Yên rồi đổ ra biển. Theo Bảo tàng Phú Yên, sông Ba dài 388 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (tỉnh Kon Tum) ở độ cao 1.549 m, chảy qua tỉnh Gia Lai rồi xuôi về Phú Yên, hòa vào biển Đông nơi cửa Đà Diễn (Tuy Hòa, Phú Yên). Tại Phú Yên, đoạn sông Ba chính thức được gọi bằng sông Đà Rằng là khu vực bãi đá granite trải rộng gần 2 km2 thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (phía Nam) và xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (phía Bắc). Sông Đà Rằng theo tiếng Chăm cổ có nghĩa là “con sông lau sậy” (Ea Drăng). Ngày nay, dọc hai bên sông Đà Rằng và các bãi bồi giữa lòng vẫn còn rất nhiều cụm lau nở hoa trắng rợp trong nắng gió Nam Trung Bộ. Sông Đà Rằng cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, với diện tích hơn 20.000 ha, vựa lúa lớn nhất miền Trung. Hai bên bờ sông Đà Rằng là những xóm làng, khu kinh tế trù phú, cùng nhiều danh lam thắng cảnh và di tích gắn với lịch sử của vùng đất trấn biên thuở nào. Duyên sông tình núi

Hiện nay, Tuy Hòa – Phú Yên đã trở thành vùng đất du lịch mới mẻ, hấp dẫn khách muôn phương. Nhiều người thích nơi đây bởi mật độ dân cư chưa cao, đường sá thoáng rộng, độ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn còn thấp, đô thị mang vẻ đẹp dung dị, chất giọng xứ Nẫu còn nguyên mùa màng… Trong đó, những gì liên quan đến sông Đà Rằng là điểm nhấn ấn tượng trong mắt du khách. Nói đến sông Đà Rằng, người ta hay liên tưởng đến “mối duyên” với núi Nhạn. Theo tài liệu của Bảo tàng Phú Yên, núi Nhạn có hình thế như con chim nhạn xòe đôi cánh, vì vậy nên mới có tên gọi này. Cũng có người cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hòa, là nơi để loài chim nhạn làm tổ. Sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền. Ngày trước, núi Nhạn có rất nhiều mai rừng nở vàng vào mùa xuân và mùa hạ; ở phía gần bờ sông Đà Rằng có một trảng sim nhỏ, đến mùa hoa nở tím ngát.

Advertisement

Trên đỉnh núi Nhạn có ngôi tháp do người Chăm xây dựng vào thế kỷ thứ 12 (cũng có tài liệu nói là xây vào thế kỷ 14). Năm 1988, tháp Nhạn được công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2018, tháp Nhạn trở thành Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Qua bao nắng mưa lịch sử, tháp Nhạn vẫn trầm mặc bên bờ sông Đà Rằng, khi dòng sông này hòa với biển Đông ở cửa Đà Diễn. Và rồi hơn bốn thập kỷ qua, núi Nhạn đã trở thành “thánh địa” hành hương thơ độc đáo trong đêm Nguyên tiêu thường niên. Khởi phát từ năm 1980, đến nay Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã trên 4 thập kỷ đến hẹn lại lên, dìu dặt tiếng thơ dưới chân cổ tháp, lồng lộng trăng soi bến Đà Rằng. Theo nhiều danh sĩ, nếu vầng trăng thơ núi Nhạn không soi bóng lung linh trên sóng nước Đà Rằng thì chưa chắc Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên có được sức hút diệu kỳ đến thế. Thơ dưới bóng Nhạn tháp uy nghi, trải lên sông Đà Rằng thơ mộng, tỏa rộng bốn phương tám hướng của biển cả, núi non và lòng người mỗi độ xuân về.

Với nhiều người dân xứ này, được nghe thơ trên núi Nhạn, bên chân tháp cổ dưới ánh trăng rằm tháng Giêng là một món lộc quý cho tâm hồn mỗi mùa xuân về. Cảm ơn nữ sĩ Mộng Tuyết, một ngày đầu thế kỷ 20, đã cảm hứng về cảnh núi sông này: “Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên/ Sông Đà núi Nhạn nước non tiên/ Bài thơ tương thức tình tương ngộ/ Trọng nghĩa tư giao quý bạn hiền”. Đào Đức Tuấn

Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info

Advertisement

About admin

Check Also

Huyện Krông Năng: Phát hiện và bắt giữ đối tượng vận chuyển hơn 7kg pháo nổ trái phép

Công an huyện Krông Năng bắt giữ nam thanh niên vận chuyển pháo nổ trái …