Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sáng 23/3, Đoàn giám sát Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về nội dung thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 – 1/7/2021.

Tham dự buổi làm việc có bà Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh – Trưởng đoàn giám sát và các thành viên.

Về phía tỉnh UBND tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, lãnh đạo Sở, ngành trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Báo cáo UBND tỉnh cho biết, trong 05 năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh tăng 4.313 đơn (tăng 17,47%) so với giai đoạn 2010-2015.. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án; khiếu kiện, tranh chấp đất đai liên quan đến các Công ty nông, lâm nghiệp; việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật; UBND cấp huyện ban hành 03 văn bản quy phạm pháp luật và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã ban hành 291 văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bà Lê Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh – Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiếp 26.803 lượt với 20.532 vụ việc (trong đó: 10.224 vụ việc được hướng dẫn, giải thích trực tiếp, 441 vụ việc có văn bản hướng dẫn, 9.867 vụ việc tiếp nhận có nhận đơn, thư), gồm: Tiếp công dân thường xuyên do Ban Tiếp công dân các cấp, cán bộ tiếp công dân thực hiện: 20.450 lượt người; tiếp công dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo, thủ trưởng các cấp: 6.353 lượt người. Nội dung vụ việc tiếp công dân được phân loại thuộc lĩnh vực hành chính chiếm 91,5% tổng số vụ việc tiếp công dân.

Thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến tại buổi giám sát

Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh cần phát huy vai trò Hội Luật sư trong thực thi pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, đối với Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp 48 lượt công dân/48 vụ việc. Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện đã tiếp 1.912 lượt công dân. Đối với Chủ tịch UBND cấp xã có lịch tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân là 44.160 ngày/60 tháng, đã tiếp là 1.464 lượt công dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại buổi giám sát

Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, trong kỳ báo cáo, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 232 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho 25.210 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo xử lý đơn thư khiếu nại lĩnh vực đất đai

Tổng số đơn khiếu nại 5.267 đơn; trong đó số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính là 1.091 đơn/1.091 vụ việc. Đã thụ lý giải quyết 1.091/1.091 vụ việc, đạt tỷ lệ 100%, gồm 186 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh; 165 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp sở; 740 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã…

Kết quả giải quyết tố cáo, tổng số đơn tố cáo 2.622 đơn; trong đó số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính là 344 đơn/344 vụ việc; đã giải quyết xong 329/344 vụ tố cáo, đạt tỷ lệ 95,64%. Qua giải quyết tố cáo đã đề nghị thu hồi về cho Nhà nước: 4.314,06 triệu đồng; thu hồi trả lại cho tổ chức, cá nhân 8.342 m2 đất và 372,31 triệu đồng; kỷ luật đối với 20 cá nhân và 02 tập thể.

Đoàn giám sát đánh giá, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở khi mới phát sinh, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, góp phần ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở không để phát sinh thành “điểm nóng”. Việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, tiến hành xác minh, tổ chức đối thoại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk làm rõ một số vấn đề như: Việc bố trí cán bộ tiếp công dân, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xử lý đơn thu tố cáo liên quan; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật liên quan đến tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; đề xuất sửa đổi thể chế trong quá trình thực hiện; tổ chức thi hành pháp luật các cấp; quy trình chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Advertisement

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đánh giá cao nội dung, chất lượng báo cáo do UBND tỉnh chuẩn bị đảm bảo yêu cầu đề ra. Nhìn chung, việc triển khai pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Tỉnh ủy và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo chỉ đạo có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác xử lý các lĩnh vực, không có khiếu nại đông người, vượt cấp.

Thời gian tới, yêu cầu UBND tỉnh, các Sở, ngành đánh giá lại tình hình tiếp công dân, dự báo tình hình tiếp công dân khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; tham mưu giải pháp xử lý khiếu kiện đông người ở dự án lớn sắp triển khai ở cơ sở; đánh giá và chấn chỉnh tình hình thực hiện pháp luật tiếp công dân chưa đầy đủ nghiêm túc ở cấp huyện, xã; công tác bố trí nhân sự, trụ sở tiếp công dân; bồi dưỡng năng lực xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo; xử lý cán bộ, công chức vi phạm trong tham mưu quy trình tiếp công dân; tổ chức thi hành vụ việc khiếu nại hành chính hiệu quả hơn.

Tiếp tục quan tâm đổi mới hình thức phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân, công chức phụ trách, tăng cường công tác thanh, tra kiểm tra các cấp, xử lý đơn thư của hộ đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của luật sư và tổ chức đoàn thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, thực thi pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết khiếu nại nhằm bảo đảm tính đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai, Luật tố tụng hành chính nhằm khắc phục những bất cập, làm cơ sở cho công tác giải quyết khiếu nại; Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, làm cơ sở pháp lý cho công tác giải quyết khiếu nại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thu hồi đất; Sửa đổi quy định của Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân có liên quan đến nội dung sáp nhập Ban Tiếp công dân vào cơ quan Thanh tra để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Advertisement

About admin

Check Also

Cần xử lý nghiêm việc khai thác đất trái phép tại xã Chứ Kbô

Tình trạng khai thác đất trái phép ở xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) gây …