Diễn đàn khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Chiều 22/12, Trung tâm Khuyến Nông quốc gia- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Advertisement

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trong 2 ngày, các đại biểu sẽ tập trung nghe và thảo luận các nội dung gồm: Đánh giá thực hiện Đề án Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững 2022; Kinh nghiệm phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu; Đối thoại vai trò của khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia- Bộ NN&PTNT phát biểu

Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ đánh giá hiện trạng và giải pháp phát triển cà phê bền vững các tỉnh Tây Nguyên; Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị; Sử dụng vật tư nông nghiệp có tránh nhiệm trong sản xuất Cà Phê; Tọa đàm Triển khai hoạt động tổ KNCĐ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu

Theo số liệu của Cục trồng trọt, đến năm 2021, diện tích cà phê của Việt Nam đạt hơn 710.000 hec ta, năng suất hơn 28 tạ/hec ta. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91% về diện tích và 93% về sản lượng cà phê cả nước. Hai tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất hiện nay là Đắk Lắk và Lâm Đồng. Mặc dù diện tích lớn, năng suất cao nhưng mối liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong cơ chế thị trường.

Các đơn vị cùng tham gia ký kết hợp tác

Vùng Tây Nguyên có đến 68 HTX cà phê liên kết chiếm tỷ lệ 97%, Đắk Lắk là tỉnh có số HTX cà phê tham gia liên kết theo Nghị định 98 nhiều nhất, với 39/68 HTX. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai không có HTX cà phê tham gia liên kết.

Vùng Tây Nguyên có 385 THT cà phê trong đó có 58 THT cà phê tham gia liên kết theo Nghị định 98, chiếm tỷ lệ 15%. Đắk Lắk là tỉnh có số THT cà phê nhiều nhất, có tới 20 THT cà phê tham gia liên kết, chiếm tỷ lệ 35%.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu, kết quả đã xây dựng được 26 tổ khuyến nông cộng đồng. Tại Tây Nguyên có 8 tổ khuyến nông cộng đồng.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, các tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững đã cơ bản phát huy được vai trò của mình khi truyền tải kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ đến nông dân, tham gia vào tổ chức lại phương thức sản xuất, bổ sung kiến thức kinh tế thị trườngthay vì chỉ kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt.

Tuy nhiên, tại diễn đàn các đại biểu đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của tổ khuyến nông cộng đồng hiện nay như: Công tác đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ khuyến nông một số nơi chưa thường xuyên; Một số tổ chức khuyến nông cộng đồng sau thành lập hoạt động chưa hiệu quả do thiếu kinh phí; Tổ khuyến nông cộng đồng không có dấu pháp nhân khó khăn trong ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng tư vấn, đào tạo…

Các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững như: tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh khác nhau giúp người dân tiếp cận được đa chiều, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác khuyến nông để thu hút người dân tham gia, tăng cường xã hội hoá hoạt động khuyến nông nhằm kêu gọi nguồn lực của xã hội chung tay trong hoạt động khuyến nông nói chung và tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng. Cùng với đó, Trung tâm tâm khuyến nông quốc gia cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt, đối với các nội dung liên quan đến kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và thông tin thị trường.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết, thông qua diễn đàn chúng tôi sẽ có rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng nên các nguyên tắc cơ bản sẽ ban hành và hướng dẫn các địa phương. Đặc biệt hơn nữa, thông qua các hoạt động này chúng tôi kêu gọi lực lượng doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng tổ khuyến nông cộng đồng, từ đó hiệu quả của khuyến nông cộng đồng này được đánh giá thông qua hợp tác được với các doanh nghiệp cũng như tư vấn thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã để giúp bà con nâng cao được giá trị sản xuất của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến, hoàn thiện ban hành các hướng dẫn hoạt động để tổ cộng đồng khuyến nông hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại diễn đàn, Tổ khuyến nông cộng đồng, doanh nghiệp và HTX đã cùng ký kết triển khai vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên.

Advertisement

About admin

Check Also

Tổ chức cưỡng chế vườn cà phê người nhận khoán vi phạm hợp đồng tại Công ty Cà phê 719

Ngày 26/12/2024, cưỡng chế chuyển giao đất và tài sản cho Cà phê Việt Nam …