Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023, Chiều 06/10, UBND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn việc làm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh Tây Nguyên năm 2023. Tham dự diễn đàn có đồng chí Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ; các sở, ban, ngành; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Chuyên gia Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và đại diện các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu dự Diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, khu vực Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được xem là một mục tiêu quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, thì ngoài sự quan tâm đầu tư nguồn lực từ phía nhà nước để phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, cần có sự tham gia, góp sức của ngành Giáo dục, đặc biệt là các trường đại học và cao đẳng, đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh giáo dục phổ thông tập trung vào việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, giáo dục đại học và cao đẳng đóng vai trò cung cấp kiến thức cần thiết, tạo môi trường và tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Điều này sẽ giúp hình thành văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng học sinh, sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao nhằm phát triển tài năng và ý tưởng khởi nghiệp một cách tích cực nhất.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Diễn đàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, diễn đàn đóng vai trò quan trọng, là dịp để lắng nghe chuyên gia, nhà đầu tư chia sẻ những thông tin, phân tích xu hướng mới và tham vấn các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động khoa học – công nghệ, kết nối nguồn lực các bên liên quan trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trình bày chuyên đề tại Diễn đàn.
Theo ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp gồm có: Tài năng (khởi động bằng sự đầu tư vào nguồn vốn con người), Mạng lưới (xây dựng các cụm, mạng lưới các nhà cố vấn, liên kết nhà khoa học và doanh nhân), Văn hóa, Vốn, Pháp lý. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gồm các bước: xây dựng nhận thức chung, nhận diện và xây dựng năng lực các thành tố trong hệ sinh thái, phát động sân chơi – cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm tạo lý tưởng được lựa chọn, thúc đẩy phát triển – thương mại hóa. Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mở, các tỉnh Tây Nguyên cần tận dụng các bài học và nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên trao đổi tại Diễn đàn.
Tại diễn đàn, đại biểu đã trao đổi, thảo luận, khái quát Công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đắk Lắk trong 5 năm qua (2018 – 2023), những cơ hội và thách thức; công tác giới thiệu việc làm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đại diện Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ chủ đề “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Hiểu đúng để làm đúng”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đã chia sẻ, đánh giá công tác hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là lao động trẻ; đề xuất giải pháp để xây dựng gắn kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các sở, ban, ngành khu vực Tây Nguyên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ban Tổ chức tặng hoa các đại biểu trao đổi chuyên đề tại Diễn đàn.
Theo các đại biểu, các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng cần đổi mới phương thức đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của địa phương, tạo dựng hệ sinh thái việc làm và khởi nghiệp. Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở những ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, nâng cao năng lực doanh nhân khởi nghiệp, truyền cảm hứng thức đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mỗi sinh viên…