Ngày 22/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quang cảnh buổi giám sát.
Báo cáo tại buổi giám sát cho biết, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động thuộc Sở. Qua đó đã tạo sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy và đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Sở.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng phát biểu tại buổi giám sát.
Từ năm 2018 – 2023, Sở đã giảm được 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trên tổng số 12 đơn vị (17%) theo đúng kế hoạch đề ra. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tính đến hết ngày 31/12/2023 còn 10 đơn vị. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được mục tiêu cơ cấu hợp lý, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, sáp nhập những đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại để khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Thực hiện cơ chế tự chủ, hiện tại có 3 đơn vị đã tự chủ được một phần và có 1 đơn vị là Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên.
Ông Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát.
Về quản lý biên chế, căn cứ số lượng biên chế được UBND tỉnh giao hằng năm, Sở đã điều chỉnh, phân bổ biên chế cho các đơn vị quản lý sử dụng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2023 được giao. Số lượng người làm việc (bao gồm số lượng biên chế và số lượng hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ) trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên tính đến hết ngày 31/12/2023 so với năm 2015 tại Sở đã giảm 92 biên chế, tương đương 18,5%. Bên cạnh đó đã giảm được 3 cấp phó do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm 1 vị trí tại Trung tâm Bảo tồn Voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở làm rõ một số nội dung về các kế hoạch triển khai; việc thực hiện cơ chế tự chủ; đánh giá, phân tích tính chất đặc thù của các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng cùng những khó khăn, vướng mắc cụ thể, hiệu quả hoạt động khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giản…
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi giám sát.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi, chế độ, nâng cao điều kiện, thu nhập cho cán bộ công chức; nâng cao công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới…