Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội làm việc với tỉnh Đắk Lắk về các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 19/7, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Chiến Hòa – Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, qua gần 3 năm (2021-2023) triển khai thực hiện các chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới (NTM), Giảm nghèo bền vững và Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tôc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh. Diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh ngày càng cao.

Về chương trình Xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 74/151 xã đạt chuẩn NTM, tăng 9 xã so với cuối năm 2020; có 01 đơn vị cấp huyện là TP. Buôn Ma Thuột đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; xây dựng được 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân toàn tỉnh đạt 15,72 tiêu chí/xã, ước đến cuối năm 2023 đạt 16,3 tiêu chí/xã.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thông tin tại buổi làm việc.

Về chương trình Giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 10,94%, giảm 1,85% so với cuối năm 2021; ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 1,5 – 2% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo (M’Drắk, Ea Súp) còn 39,26%, giảm 5,67% so với cuối năm 2021; ước thực hiện năm 2023 giảm từ 4 – 5% so với cuối năm 2022.

Về chương trình Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 10 dự án được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực đã giúp tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 23,08% (35.982 hộ), giảm 3,66% (5.533 hộ) so với cuối năm 2021…

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Lắk từ năm 2021 – 2023 là trên 3.431 tỷ đồng, trong đó, chương trình Xây dựng NTM gần 1.100 tỷ đồng; chương trình Giảm nghèo bền vững gần 700 tỷ đồng; chương trình Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 1.637 tỷ đồng.

Advertisement

Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: một số dự án, nội dung thành phần chưa thể triển khai thực hiện và giải ngân do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương; nội dung, đối tượng các chương trình MTQG thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm mới nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng tiến độ giao kế hoạch, triển khai thực hiện và giải ngân…

Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong quá trình triển khai các chương trình MTQG thời gian qua. Qua giám sát, đồng chí Trần Quang Phương đề nghị tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của Đoàn để bổ sung vào báo cáo, đồng thời nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về từng chương trình, các dự án, tiểu dự án; tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, phát huy các cách làm hay, hiệu quả trong triển khai các chương trình MTQG; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại, hiệu quả; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu trong quá trình thực hiện các chương trình, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai đạt kết quả cao…

Advertisement

About admin

Check Also

Tổ chức cưỡng chế vườn cà phê người nhận khoán vi phạm hợp đồng tại Công ty Cà phê 719

Ngày 26/12/2024, cưỡng chế chuyển giao đất và tài sản cho Cà phê Việt Nam …