Doanh nghiệp “hiến kế” giải pháp đổi mới, phục hồi du lịch ở Đắk Lắk

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khi du lịch chính thức mở cửa trở lại, đây là thời điểm thích hợp để du lịch Đắk Lắk đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường liên kết, làm mới sản phẩm, quảng bá thông qua ứng dụng công nghệ số để tạo sức bật sau thời gian trầm lắng bởi dịch COVID-19.

Thu hút nhà đầu tư lớn

Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch thương mại Phương Thắng (Khánh Hòa) chia sẻ, quá trình tham quan, khảo sát một số điểm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, địa phương có những sản phẩm, địa điểm du lịch rất mới lạ và hấp dẫn như trải nghiệm hoạt động chèo thuyền kayak trên dòng sông Sêrêpốk (3 km) đoạn từ thác Dray Sáp Thượng về thác Dray Nur… Đây là sản phẩm du lịch rất phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế. Chúng tôi sẽ kết nối những sản phẩm du lịch như trên để mang du khách đến với Đắk Lắk và ngược lại.

Đoàn Famtrip của Sở Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tỉnh Khánh Hòa trải nghiệm ngắm voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

“Tuy nhiên, các điểm du lịch và sản phẩm du lịch tại Đắk Lắk còn nhỏ lẻ, thiếu những nhà đầu tư lớn để tạo cú hích cho du lịch địa phương. Do đó, cần có những nhà đầu tư có tiềm lực để thay đổi bộ mặt du lịch tỉnh Đắk Lắk, cũng như cần phát huy những thế mạnh của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo như trải nhiệm hoạt động sản xuất cà phê khi thành phố Buôn Ma Thuột được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam và thế giới”, ông Bùi Minh Thắng nói.

Kết nối tour du lịch Caravan

Sau 4 ngày khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên, ông Trần Văn Quang – Chủ tịch Công ty Du lịch VND Travel nhận định, Tây Nguyên rất giàu tiềm năng du lịch, nhiều điểm đến mới đủ điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch Caravan – đây chính là xu hướng lựa chọn du khách trong năm 2022.

Đoàn Famtrip Canavan Tây Nguyên huyền thoại khảo sát du lịch Đắk Lắk

Các đoàn xe caravan đang ngày càng trở nên thịnh hành hơn sau đại dịch Covid-19. Để tránh những nơi đông người, hạn chế phương tiện công cộng thì di chuyển bằng xe cá nhân là lựa chọn ưu việt, vừa an toàn về sức khỏe và đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa phù hợp với xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình.

Lợi thế của du lịch Caravan với những chiếc xe nhỏ và linh hoạt dễ dàng đưa du khách đến những nơi xa xôi vốn khó tiếp cận với những xe du lịch cỡ lớn. Giúp cho du khách đặt chân tới những điểm đến mới lạ, ít người biết, có những trải nghiệm khác biệt và có thể kết hợp các chương trình từ thiện, tìm hiểu văn hóa bản địa… mà tour đại trà thường không có. Vì vậy, Đắk Lắk cần chủ động xây dựng điểm đến phục vụ cho loại hình này để đáp ứng cho du khách, kích cầu du lịch ở vùng sâu, vùng xa.

Để đón các Đoàn Famtrip Caravan Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với doanh nghiệp lữ hành nắm bắt các vấn đề thay đổi liên quan đến đường giao thông, quy định tổ chức giao thông của địa phương đi qua để có những giải pháp hoặc thông tin cho du khách biết và tuân thủ hoặc điều chỉnh cho phù hợp, an toàn. Hy vọng rằng tỉnh Đắk Lắk sớm hoàn thiện sản phẩm du lịch Carnavan không trùng lắp “Biển rừng hội ngộ” đưa du lịch khởi sắc trong thời gian tới – ông Quang nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch cho rằng, việc tổ chức chương trình Famtrip caravan kết nối Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên cũng là một sáng kiến rất kịp thời của các doanh nghiệp khi du lịch mở cửa trở lại; là nỗ lực triển khai công tác xúc tiến thị trường, sản phẩm, dịch vụ để thực hiện đúng phương châm mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới an toàn và hiệu quả.

Trên cơ sở ý kiến doanh nghiệp dự tọa đàm, Đắk Lắk tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy ra mắt các sản phẩm du lịch mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương; góp phần thực hiện tốt chương trình phát động phục hồi du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đầu tư cho du lịch trải nghiệm với cà phê

Là doanh nghiệp chủ động triển khai du lịch trải nghiệm với cà phê, anh Phạm Hoài Nguyên Anh – Giám đốc Công ty TNHH MTV ANH Coffee cho hay, du khách khi đến với TP.Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung thường muốn tham quan, thưởng thức cà phê. Nhiều đơn vị làm du lịch tại địa phương đang tập trung chuyển hướng khai thác về bản sắc văn hoá cà phê. Ngoài ra, xu hướng du khách đến Đắk Lắk sẽ rất muốn biết nên ăn gì, uống gì, chăm bón cà phê ra sao, không gian trải nghiệm cà phê như thế nào.

Advertisement

Du khách tham quan xưởng chế biến cà phê Anh Coffee tại Cụm Công nghiệp Tân An

Sau Tết Nguyên đán, đơn vị đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm các vườn, xưởng sản xuất cà phê, đa phần họ đều cảm thấy mới mẻ, thích thú. Du khách không chỉ mua sản phẩm mà được cảm nhận nét khác biệt trong chuyến du lịch này.

Công ty đang triển khai cho du khách tìm hiểu cách lựa, rang, ủ, đóng gói, thưởng thức cà phê… để từng bước giúp họ trải nghiệm cảm giác mới mẻ, đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Đơn vị sẽ không tính đến vấn đề thương mại, mọi dịch vụ tham quan trải nghiệm cũng được miễn phí, không ép du khách phải mua sản phẩm.

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện đề án du lịch với cà phê, liên kết với vùng trồng mở thêm các tour, tuyến trải nghiệm để phục vụ du khách một cách bài bản về mọi mặt”, Nguyên Anh cho biết.

Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề như tour du lịch văn hóa cồng chiêng, thưởng thức tác phẩm ca kịch “Trường ca Đam San;” du lịch trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và thưởng thức các loại cây càphê, cacao, mắcca; tour trải nghiệm chế tác quà tặng lưu niệm làm từ cây càphê, quả bầu khô.

Tận dụng lợi thế về địa hình đồi núi và thác ghềnh hùng vĩ, tỉnh xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm như chèo thuyền kayak vượt thác ghềnh sông Sêrêpôk, đi xe đạp hoặc môtô địa hình, leo núi, cắm trại trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, đỉnh núi Gia Long-thác Dray Nur, Rừng đặc dụng Nam Ka, Rừng lịch sử-văn hóa-môi trường Hồ Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi; đồng thời xây dựng hoạt động phục vụ du khách vui chơi giải trí về đêm như phố đi bộ, chợ đêm, ẩm thực, mua sắm, giao lưu văn hóa cồng chiêng… tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và các điểm du lịch có tiềm năng.

Sở cũng đang tổng hợp, thẩm định hồ sơ của các địa phương đề nghị hỗ trợ, triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; thực hiện đóng góp ý kiến về nội dung hình ảnh Quảng bá Du lịch Đắk Lắk qua ảnh 360°/3D; bổ sung tài liệu và ấn phẩm tại kệ trưng bày tài liệu tại các khách sạn, cơ sở lưu trú phấn đấu xây dựng Đắk Lắk thành “Điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc.”

Advertisement

About admin

Check Also

Phải luôn nhớ thắt dây an toàn

Dây an toàn trên ô tô không chỉ là một chi tiết nhỏ mà còn …