Đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” về với buôn làng phục vụ nhân dân

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ được tiếp tục công diễn phục vụ nhân dân tại huyện Ea H’Leo, Thị xã Buôn Hồ và huyện Ea Kar.

Đại biểu tham dự đêm công diễn tại huyện Krông Bông

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tối 19/5, tại Quảng trường huyện Krông Bông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Krông Bông đã tổ chức buổi biểu diễn Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” thu hút 5.000 người dân đón xem.

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023); kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2023); chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập huyện Krông Bông (19/9/1981 – 19/9/2023); đồng thời nhằm giới thiệu, quảng bá Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” biểu diễn phục vụ du khách tại huyện Krông Bông.

Chương trình biễu diễn tại Krông Bông –vùng căn cứ cách mạng mang ý nghĩa rất lớn, gắn với sự kiện ra đời của Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk. Sự kiện nhận được sự ủng hộ, quan tâm của địa phương. Chương trình đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, từ yêu ghét, thương mến, cho đến ngưỡng mộ qua diễn xuất của các nhân vật; đó là một H’Nhi (vợ Dam Săn) thủy chung, yêu chồng; là một Mtao Mxây (tù trưởng) hung bạo, tham lam; hay Nữ thần Mặt trời xinh đẹp, uy quyền…

Qua chuyến công diễn này, chúng tôi nhận thấy, không gian biểu diễn gắn với đời sống địa phương không phải đầu tư công phu, quá trình biểu diễn chỉ cần sân khấu bán thực cảnh gắn với không gian buôn làng, gần gũi với nhân dân. Trước đó, vở ca kịch đã được biểu diễn ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 12/2021, sau đó tại đêm nhạc Nguyễn Cường “Đến với Cao Nguyên”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023.

Lãnh đạo huyện Krông Bông tặng hoa cho đại diện êkíp thực hiện vở ca kịch.

Dự kiến thời gian tới, Sở VHTT&DL tiếp tục công diễn phục vụ nhân dân địa bàn các huyện và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quảng bá tại các thành phố lớn. Phấn đấu đưa ca kịch trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc chỉ có ở Đắk Lắk.- Bà Hiếu nhấn mạnh.

Advertisement

Vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” gồm 5 chương: Chương 1 – “Dam Săn và H’Nhi”, chương 2 – “Xử tội Mtao Msei”, chương 3 – “Buôn sang trông cậy”, chương 4 – “Nơi miền sáng”, chương 5 – “Mặt trời lên trên cao nguyên bao la”. Tác giả vở ca kịch là nhạc sĩ Nguyễn Cường; Biên kịch, tổng đạo diễn Hồng Hoa; do Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk biểu diễn.

“Khát vọng Dam Săn” được xây dựng, khắc họa từ Sử thi Dam Săn nổi tiếng của người Êđê ở Tây Nguyên. Hình tượng chàng Dam Săn thể hiện khát vọng xây dựng, bảo vệ cộng đồng trước mọi thế lực siêu nhiên đe dọa. Chàng đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời và đem lại ánh sáng, sự sống cho buôn làng của mình.

Vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được xem là tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, phục dựng, bảo tồn và trình diễn lịch sử văn hóa dân tộc Êđê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm; tạo dựng sân khấu âm nhạc độc đáo bán thực cảnh dành cho lễ hội thường niên của đồng bào Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, tạo nên sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc chỉ có ở Đắk Lắk.

Advertisement

About admin

Check Also

Bắt đối tượng sử dụng súng giải quyết mâu thuẫn cá nhân

Công an TP. Buôn Ma Thuột bàn giao đối tượng Nguyễn Đoàn Tú Khải cho …