Áp lực bán hàng vụ mới từ các nước sản xuất chính vẫn đang đè nặng lên các thị trường, trong khi các Quỹ và đầu cơ vẫn chưa đẩy mạnh mua vào do lãi suất tiền tệ ngày càng tăng cao…
Biểu đồ Robusta London T1/2023 phiên ngày 01/11/2022
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London suy yếu trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 14 USD, xuống 1.839 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 13 USD, còn 1.827 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm 3,10 cent, xuống 174,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 4,40 cent, còn 170,20 cent/lb, các mức tăng giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình .
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 300 đồng, xuống dao động trong khung 40.500 – 41.000 đồng/kg.
Giá cà phê đảo chiều giảm trở lại do lo ngại lãi suất tiền tệ sẽ tăng cao nên nhà đầu tư chưa mặn mà mua vào, trong khi giới thương nhân tiếp tục bán ròng khi lượng hàng vụ mới bắt đầu tỏ ra dồi dào, đặc biệt lượng hàng giao về hai sàn để đăng ký bán đấu giá có dấu hiệu tăng lên.
Thị trường hàng hóa đang phải chịu áp lực đè nặng từ cuộc họp điều hành chính sách của Fed diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này. Các dữ liệu kinh tế Mỹ tỏ ra rất khả quan để Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ với suy đoán lần này sẽ tăng lãi suất USD lên thêm 0,75% do mức lạm phát vẫn còn cao và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới ngày càng nặng nề.
Cuộc đình công của tài xế xe tải nhằm phong tỏa các tuyến đường cao tốc liên bang ở Brasil do giá xăng dầu lên cao đã có phần dịu bớt. Điều này sẽ giúp dòng chảy các hàng hóa nông sản giao về các cảng xuất khẩu đã thuận lợi trở lại, trong khi đồng Reais tăng 1% lên ở mức 5,1120 R$ sẽ không hỗ trợ bán hàng nông sản xuất khẩu. Có vẻ như các nhà điều hành ở Trung Quốc đang muốn nới lỏng chính sách “zero – covid” khi có quá nhiều bất lợi cho thị trường hàng hóa nói chung.
Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta từ đảo Sumatra trong tháng 9 đã đạt 887.810 bao, tăng tới 136,02% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại (4/2022 – 3/2023) đạt tổng cộng 2.356.921 bao, tăng 59,33% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Anh Văn (giacaphe.com)