Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá XV họp phiên toàn thể lần thứ 4

Trong hai ngày 25-26/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá XV tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 để triển khai các nội dung phục vụ cho kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khoá XV và xem xét cho ý kiến một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Hội đồng dân tộc, thảo luận góp ý kiến để thẩm tra Dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể- Ảnh : Tuấn Anh

Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân tồn tại hạn chế. Từ đó đề ra giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số – miền núi.

Hiện nay đối với đề cương phần chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số – miền núi đã được định hình, rất mong các đồng chí vừa là vai trò của thàng viên Hội đồng Dân tộc vừa là đại biểu của các địa phương, từ góc nhìn thực tiễn từ thực hiện nhiệm vụ vừa là chủ trì ở địa phương trong thực hiện giám sát nội dung này trong năm 2023 các đồng chí tham gia góp ý hoàn thiện thể hiện được tính thực tiễn cuộc sống” ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia góp ý-Ảnh:Tuấn Anh

Báo cáo tại phiên họp cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình an ninh, chính trị vùng dân tộc thiểu số – miền núi cơ bản ổn định, không có các điểm nóng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững. Các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số – miền núi tiếp tục phục hồi tích cực, đặc biệt là các ngành công nghiệp, dịch vụ… tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của vùng Dân tộc thiểu số – miền núi còn thấp, đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và phân bổ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa kịp thời; việc áp dụng chính sách đối với các xã khu thuộc vùng đồng bào Dân tộc thiểu số – miền núi giai đoạn 2021-2025 còn nhiều bất cập. Công tác tham mưu, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

*Cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu tập trung các nội dung liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo các đại biểu, mặc dù các nhóm dân tộc thiểu số có xu hướng đa dạng hoá thu nhập trong những năm gần đây nhưng thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính (chiếm hơn 63% tổng thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số). Do đó đất đai là một trong những yếu tố quyết định đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng nghèo của bà con cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách về đất đai. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cơ hội để giải quyết một số vấn đề bất cập về quản lý sử dụng đất đai, trong đó có vấn đề đất ở, đất sản xuất của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số – miền núi.

Advertisement

Theo các đại biểu, xét từ góc độ hưởng dụng đất đai, diện tích đất canh tác mà các hộ dân tộc sử dụng là như nhau. Tuy nhiên chất lượng đất canh tác và phương thức canh tác có sự khác nhau. Vì vậy để xây dựng Luật Đất đai một cách sâu sát, phù hợp với thực tế rất cần có số liệu thống kê cụ thể về diện tích đất đai bà con đang sử dụng, hệ số sử dụng đất ở từng vùng miền, từng dân tộc. Từ đó các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế đề nghị:“Có một điều chúng ta cần giải quyết ở đây là tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất, kể cả đất ở ứng với từng địa bàn cụ thể. Địa bàn nào thiếu bao nhiêu. Câu chuyện ở đây chúng ta phân tích được tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số thiếu đất nhưng ở vị trí nào trên địa bàn nào thì rất mơ hồ và chúng ta cần phải biết điều đó để có sự điều phối sắp xếp của nhà nước”.

Tại buổi tham vấn, các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị về quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giao cho cộng đồng dân cư; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; nguyên tác bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất…

Advertisement

About admin

Check Also

Trộm dầu trên công trình cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, một đối tượng bị bắt

Công an huyện M’Drắk tạm giữ đối tượng Phan Văn Huy về hành vi trộm …