Sáng 16/2, Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị hướng dẫn đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính cho đội ngũ tham mưu chuyên trách lĩnh vực cải cách hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong 1 ngày, các học viên được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng phần mềm đánh giá đánh giá Chỉ số cải cách hành chính (http: www.parindex.daklak.gov.vn); Hướng dẫn chấm điểm theo Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 2854/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh.
Ông Hoàng Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu khai mạc
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh, Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các bộ, các tỉnh. Phương pháp đánh giá khoa học, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ.
Bà Lê Ngọc Anh- Trưởng phòng CCHC&VTLT phổ biến nội dung của quyết định số 2854/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh.
Do đó, hội nghị sẽ tập trung hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị tiếp cận điểm mới, đánh giá chính xác chỉ số thành phần đáp ứng yêu cầu mục tiêu chỉ số CCHC cấp tỉnh, đảm bảo khách quan công bằng và thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính. Qúa trình triển khai sẽ bám sát quy định của Trung ương và nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
Theo Sở Nội vụ, điểm mới tại Quyết định sô 876/QĐ-BNV của Bộ chỉ số đánh giá chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tập trung vào 3 nội dung trọng tâm.
Những tiêu chí bỏ so với Bộ chỉ số cũ: Tỷ lệ CQCM cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã công khai TTHC đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC; Công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC; Nhập, đăng tải công khai TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia sau khi công bố ; Thực hiện quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành về tổ chức bộ máy; Tác động của cải cách đến quản lý tài chính công; Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI).
Những tiêu chí đổi tên so với Bộ chỉ số cũ: Sáng kiến hoặc giải pháp mới trong cải cách hành chính sửa thành tên mới Đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ CCHC; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh được đổi thành tên mới Phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi thành tên mới Phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; Hiện đại hóa hành chính đổi thành Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đổi thành Cải cách chế độ công vụ; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh được đổi tên thành Cải cách thể chế.
Các tiêu chí tăng so với Bộ chỉ số cũ gồm: Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; Số vốn đăng ký của doanh nghiệp.
Phạm vi điều chỉnh công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC hàng năm của cấp Sở, cấp huyện áp dụng đối với 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (trừ Văn phòng UBND tỉnh). Ban Dân tộc tỉnh và Thanh tra tỉnh có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 16 cơ quan chuyên môn còn lại.
Việc điều tra xã hội học được tiến hành độc lập để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau theo quy định. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí của Chỉ số.