Chiều 28/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XV.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân và Thiếu tướng Lê Vinh Quy – Giám đốc Công an tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý đối với các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, các đại biểu cơ bản thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và nội dung các chính sách được sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật, đồng thời tập trung thảo luận về tác động của các chính sách của dự án Luật đến công tác xây dựng lực lượng Công an Nhân dân, nhất là tác động của nội dung chính sách tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy – Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để đảm bảo hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng và công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung; cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các trường hợp như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân gặp nạn bị thất lạc hộ chiếu… vào đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh về nước; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bên cạnh cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh; bổ sung trách nhiệm của người nước ngoài đối với việc cung cấp thông tin phục vụ khai báo tạm trú; đề nghị kéo dài thời gian tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử từ 30 ngày thành 90 ngày…
Thượng tá Ngô Văn Hiển – Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội góp ý tại hội nghị.
Thảo luận về dự án Luật Căn cước, các đại biểu đã nêu lên những tồn tại, hạn chế và các vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014; thực tiễn công tác quản lý, khai thác, sử dụng thẻ căn cước công dân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, đã làm rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, các mặt hoạt động của đời sống KT-XH cũng như yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về dân cư, phục vụ xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử hiện nay và trong thời gian tới…
Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời đề nghị cần xây dựng một hệ thống tổ chức mới, thống nhất, kiện toàn lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và Dân phòng thành một lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo chế độ, chính sách rõ ràng, thỏa đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Thượng tá Vũ Tiến Thăng – Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông góp ý tại hội nghị.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 Chương, 61 Điều. Đối với dự án Luật này, qua thảo luận, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, góp phần đảm bảo trật tự xã hội, an ninh, an toàn giao thông đường bộ và xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực được phân công.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các dự án Luật. Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình bày tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.