Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Sáng 09/9, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng tham gia ý kiến tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk

Chương trình OCOP được triển khai theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 31/8/2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiền năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao); có hơn 4.351 chủ thể OCOP (38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên).

Khách tham quan tại gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP Đắk Lắk (Ảnh: Nguồn internet)

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hoá, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc như: Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: Đắk Lắk đã có những bước đi căn bản, định hình rõ hơn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Luỹ kế đến nay, tỉnh đã công nhận 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (8 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hoá các tiêu chí, nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) tham gia vào thị trường quốc tế như cà phê, ca cao, mắc ca. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Advertisement

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 như: Tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức hành động cho chính quyền và người dân; thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người lao động làm du lịch ở nông thôn; đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn…

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh chụp từ màn hình)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025 như: triển khai chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng; chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP; hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCCOP gắn với trung tâm du lịch, các hoạt động văn hoá; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP…

Hội nghị đã Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2022.

Advertisement

About admin

Check Also

Trạm CSGT Krông Búk phát hiện 3 xe vận chuyển thuốc lá lậu và pháo nổ trái phép

Trong ngày 24/12, Trạm CSGT Krông Búk phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng cấm …