Sáng 22/5, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường với chuyên đề “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chia sẻ kinh nghiệm đăng bài trên tạp chí khoa học”. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến điểm cầu Trường Đại học Luật Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 20 tham luận tập trung vào các nội dung: Tổng quan công tác nghiên cứu khoa học của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk; Khái niệm, vai trò của tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học pháp lý đối với đội ngũ giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk; Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ thực tiễn của Học viện tư pháp; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học pháp lý trong lĩnh vực đất đai; Kinh nghiệm công bố các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế; Kinh nghiệm công bố các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học pháp lý trong lĩnh vực hành chính. Chính sách của Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk – Thực trạng và hướng hoàn thiện; Nâng cao năng lực viết chuyên đề hội thảo, toạ đàm khoa học.
PGS.TS. Tô Văn Hoà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc
Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm từ các giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, qua đó hiểu rõ về góc nhìn nghiên cứu, cách thức đăng bài trên tạp chí khoa học; phân tích khái quát những đặc thù về nghiên cứu khoa học; đánh giá thực trạng quản lý và thực hiện nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó xác định những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và đề xuất những đề tài gắn với thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương; một số giải pháp triển khai đề tài nghiên cứu kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu hiệu quả nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
TS. Chu Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong năm học 2021 – 2022, có 17/17 giảng viên cơ hữu của Phân hiệu hoàn thành vượt định mức giờ và sản phẩm nghiên cứu khoa học bắt buộc; trong đó, 15/17 giảng viên có số giờ nghiên cứu khoa học đạt từ 1.000 giờ đến dưới 2.000 giờ, có 01 giảng viên có công bố quốc tế.
Trong năm 2022, 17 giảng viên cơ hữu của Phân hiệu có 23 bài tạp chí công bố trong nước, 01 bài tạp chí công bố quốc tế; là tác giả, đồng tác giả của 43 bài hội thảo, toạ đàm khoa học các cấp. Khó khăn hiện nay, số lượng, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên cơ hữu tại Phân hiệu còn nhiều hạn chế; chưa phát huy được vai trò của đội ngũ giảng viên cơ hữu tại Phân hiệu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo
Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý ở Việt Nam. Trong những năm qua, nhà trường đã có những giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Đại biểu chia sẻ tại hội thảo
Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tập trung ưu tiên công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc đổi mới quan điểm tiếp cận trong nghiên cứu khoa học thông qua tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực, xây dựng và phát triển mô hình nghiên cứu kết hợp giữa Trường với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, liên kết giữa đối tác trong nước và quốc tế đã có tác động tích cực tới chất lượng nghiên cứu của nhà trường.
Hội thảo giúp cho giảng viên, nghiên cứu viên của Phân viện có thêm kinh nghiệm trong triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, công bố một bài báo khoa học, những khó khăn khi nghiên cứu khoa học hiện nay. Qua đó góp phầm triển khai công tác nghiên cứu khoa học ngày càng hiệu quả, đóng góp cho địa phương và các lĩnh vực khác.