Sáng 15/12, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tổ chức Hội thảo “Phục hồi cảnh quan tại Đắk Lắk – Cơ hội và thách thức”.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Trần Nam Thắng – Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới giới thiệu khái quát các hoạt động của Trung tâm trong giai đoạn 2019-2023 liên quan đến phục hồi cảnh quan, các bài học kinh nghiệm và định hướng hoạt động cho giai đoạn 2024-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2023, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương, đơn vị hữu quan triển khai các mảng hoạt động chính như: phục hồi cảnh quan thông qua các giải pháp như phục hồi rừng, nông lâm kết hợp, cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên tổng hợp, xây dựng và hỗ trợ lâm nghiệp cộng đồng; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và thực hiện NDC cấp tỉnh (cam kết quốc gia về giảm phát thải) thông qua các giải pháp trong sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ và thúc đẩy chi trả dịch vụ môi trường rừng; vận động chính sách về phục hồi cảnh quan và các vấn đề liên quan…
Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới phát biểu tại hội thảo.
Qua thời gian thực hiện đã đạt được một số kết quả nổi bật: đã tiến hành hỗ trợ các bên liên quan tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách, hình thành mạng lưới mở, cung cấp thông tin, tạo diễn đàn nhằm thảo luận về chính sách và khuyến nghị giải pháp; hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phục hồi rừng, quản lý rừng cộng đồng, nông lâm kết hợp, xây dựng mô hình cà phê cảnh quan; khuyến khích các thực hành tốt về phục hồi rừng như trồng cây bản địa, trồng cây phân tán, cải tạo mô hình cà phê; xây dựng và nhân rộng các mô hình phục hồi cảnh quan, phục hồi rừng trong thực tế tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Khu bảo tồn Hồ Lắk, Khu bảo tồn Nam Ka; hỗ trợ cây giống cho các chương trình trồng rừng của các đơn vị, tổ chức khác…
Ông Trần Nam Thắng – Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới thông tin tại hội thảo.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tiếp tục nhân rộng các kết quả, mô hình thành công trong giai đoạn 2023-2024; triển khai các giải pháp hiệu quả trong phục hồi cảnh quan, sử dụng đất bền vững, chi trả dịch vụ môi trường rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; triển khai các dự án tín chỉ carbon trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp cộng đồng; triển khai các giải pháp hiệu quả trong giao đất, giao rừng và phát triển sinh kế cho người dân địa phương…
Đại biểu thảo luận tại hội thảo.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như các nhu cầu cần hỗ trợ trong quá trình phục hồi cảnh quan trên địa bàn, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực như: duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa các mô hình nông lâm kết hợp; tăng cường bảo tồn nguồn gen, hệ sinh thái gắn liền và phục vụ thiết thực cho lợi ích cộng đồng; đẩy mạnh việc sản xuất cà phê trong mô hình nông lâm kết hợp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trên thị trường; cần có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm hỗ trợ người dân hiệu quả trong công tác bảo tồn động vật rừng; giải pháp hiệu quả nhằm giảm xung đột giữa động vật hoang dã với người…
Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới cho biết, những kinh nghiệm, bài học, giải pháp được đại biểu chia sẻ tại Hội thảo sẽ là tư liệu quan trọng, ý nghĩa để đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các hoạt động phục hồi cảnh quan tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng, cải tạo đất, nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái…