Hội thảo tác động của di cư đến sinh kế của một số dân tộc tại chỗ ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk

Sáng 23/11, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tác động của di cư đến sinh kế của một số dân tộc tại chỗ ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk, Đắk Lắk”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe nhóm chuyên gia thông tin tổng quan về di cư ở Việt Nam và Tây Nguyên; Kết quả nghiên cứu di cư ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk và tác động của chúng đến tài nguyên thiên nhiên, đến sinh kế của đồng bào M’Nông, Ê Đê trong vùng; Các câu chuyện điển hình về tác động của di cư đến cuộc sống của cộng đồng M’ Nông và Ê Đê và các khuyến nghị từ nghiên cứu.

PGS.TS. Vương Xuân Tình báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế

Theo các chuyên gia, Tây Nguyên là vùng thu hút số lượng lớn người di cư nông thôn – nông thôn theo kế hoạch của Chính phủ và người di cư tự do. Những người di cư này chủ yếu tìm điều kiện canh tác nông nghiệp tốt hơn, trong đó có cả việc trồng cà phê do sự bùng nổ xuất khẩu cà phê. Sau những năm 1990, việc di cư theo kế hoạch vào Tây Nguyên đã giảm, phần nhiều chỉ còn di cư tự do. Trong các tỉnh ở Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh sớm hội tụ các luồng di cư từ nơi khác đến và chịu nhiều áp lực về di dân. Đến nay, tình trạng di cư tự do đã giảm nhiều song vẫn còn xảy ra lẻ tẻ, quy mô không lớn, rải rác, phân tán ở một số nơi.

TS. Trần Ngọc Thanh chia sẻ về tác động của di cư đến sinh kế của một số dân tộc tại chỗ của tỉnh Đắk Lắk

Thông qua sự hỗ trợ của Tropenbos Việt Nam, qúa trình nghiên cứu về tác động của di cư đến sinh kế và nguồn tài nguyên của đồng bào dân tộc tại chỗ ở tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên được triển khai từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2022. Trong đó chuyên gia dựa trên kết quả nghiên cứu tài liệu và đi thực địa tại Buôn Dlay, thôn Đăk Sa (xã Đăk Nuê), Buôn Ja, và Buôn Thái (xã Bông Krang) thuộc huyện Lắk; Buôn Chàm B, Thôn 1, Buôn Yang Hăn (xã Cư Đrăm) và Buôn Khanh (xã Cư Pui) thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Trong khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp chủ yếu là phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm.

Thống kê từ sau năm 2005, việc di cư theo kế hoạch để xây dựng vùng kinh tế mới không còn. Đến nay, số liệu thống kê của các nguồn chưa thống nhất, song có thể ước tính khoảng 1 triệu người di cư theo kế hoạch và 1 triệu người di cư tự do đến Tây Nguyên từ sau năm 1975.

Do đất nước thống nhất và được sự hỗ trợ của giao thông, nên đã thay đổi hướng di cư của rất nhiều dân tộc thiểu số. Nếu trước đây, các tộc người như H’mông và Dao chủ yếu di cư từ Đông sang Tây rồi có thể sang Lào, thì thời gian qua, hướng di cư chủ yếu của họ là từ Bắc vào Nam.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1976-2020 có khoảng 200 ngàn hộ di dân theo kế hoạch đến Đắk Lắk. Nếu bình quân mỗi hộ cần đất sản xuất nông nghiệp là 1,5 ha thì nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của người dân di cư theo kế hoạch là 300 ngàn ha. Với di cư tự do, trong hơn 40 năm qua có khoảng 60 ngàn hộ đến Đắk Lắk, và như vậy, nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của họ là khoảng 90 ngàn ha. Đất sản xuất của họ phần lớn có nguồn gốc từ rừng hay đất rừng. Bên cạnh đó, di cư cũng góp phần tạo nên ô nhiễm nguồn nước. Đắk Lắk là nơi những người di cư phát triển trồng cà phê, hồ tiêu, dứa và cây ăn quả nên sử dụng rất nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác.

Advertisement

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng, di cư đến Tây Nguyên, kể cả di cư theo kế hoạch và di cư tự do đều làm hạn chế sự tiếp cận về nguồn đất đai, gia tăng tình trạng bán đất, gán đất, thay đổi việc sử dụng đất của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Để hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ tình trạng di cư tự do đến Tây Nguyên và Đắk Lắk, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những bất cập, hạn chế của di dân tự do; cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ di dân tự do, thông qua chính sách đăng ký nhân khẩu bằng hệ thống kỹ thuật số để chính quyền địa phương có thể nắm chắc biến động dân cư.

Ngoài ra, các địa phương phải thắt chặt quản lý về đất đai, kiểm soát tình trạng chuyển nhượng đất, gán đất của các dân tộc tại chỗ. Giảm tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng bằng đổi mới, sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai, thể chế quản lý tài nguyên rừng và tăng nguồn lực sinh kế cho các dân tộc tại chỗ. Đảm bảo nguồn nước, nhất là nguồn nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt cho các dân tộc tại chỗ.

Ngân hàng chính sách mở rộng và linh hoạt chế độ cho đồng bào dân tộc tại chỗ vay vốn trong sử dụng đất, giảm tình trạng tín dụng đen hoành hành. Đảm bảo tốt hơn các điều kiện giáo dục và y tế cho đồng bào dân tộc tại chỗ.

Dịp này, các chuyên gia và cộng đồng cư dân ở khu vực nghiên cứu đã tập trung thảo luận chung về kết quả nghiên cứu, thảo luận chung về các giải pháp, khuyến nghị chính sách về hạn chế tác động của di cư đến cuộc sống người dân tộc tại chỗ, hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực.

Hội thảo nhằm đưa ra những quan điểm, khuyến nghị, giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phù hợp, khả thi để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của di cư khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Advertisement

About admin

Check Also

Công an TP. Buôn Ma Thuột dán decal phản quang cho 450 xe máy cày

Đội Cảnh sát giao thông Buôn Ma Thuột phối hợp dán decal phản quang cho …